Bệnh Alzheimer và Chăm Sóc (Alzheimer’s Disease and Caregiving)
Tổng quan
Bệnh Alzheimer (AD) là bệnh gây ra những thay đổi bất thường trong não, chủ yếu ảnh hưởng đến trí nhớ và khả năng trí tuệ khác. Alzheimer là một loại bệnh, chứ không phải là một phần bình thường của quá trình lão hóa. Mất trí nhớ là triệu chứng thường gặp đầu tiên. Khi bệnh tiến triển, việc mất khả năng lý luận, ngôn ngữ, khả năng ra quyết định, phán đoán và các kỹ năng quan trọng khác khiến người bệnh không thể kiểm soát cuộc sống hàng ngày nếu không có sự giúp đỡ của người khác, thường là thành viên gia đình hoặc bạn bè. Đôi khi, họ sẽ có những thay đổi khó khăn về tính cách và hành vi, nhưng điều này không phải lúc nào cũng xảy ra.
Bệnh Alzheimer đặt ra những thách thức thực sự cho cả người được chẩn đoán bị AD và những người chịu trách nhiệm chăm sóc. Điều này không có nghĩa là sẽ không còn thời gian vui vẻ, chia sẻ tiếng cười, và tình bạn. AD thường phát triển từ từ, có thời gian để điều chỉnh theo chẩn đoán, lập kế hoạch trước, và dành thời gian có chất lượng với nhau.
Gần 15 triệu người Mỹ chăm sóc miễn phí cho người mắc bệnh Alzheimer hoặc bệnh sa sút trí tuệ khác (Dữ Kiện & Con Số Năm 2011 của Hiệp Hội Alzheimer). Tiến sĩ Alois Alzheimer, bác sĩ tâm thần học và nhà thần kinh học người Đức, được cho là đã xác định được trường hợp “bệnh sa sút trí tuệ tiền lão suy” được công bố đầu tiên năm 1907, một tình trạng hiện được gọi là bệnh Alzheimer.
Bệnh Alzheimer là hình thức phổ biến nhất của bệnh sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi. Các thuật ngữ “Alzheimer” và “bệnh sa sút trí tuệ” thường được sử dụng thay thế cho nhau, nhưng tình trạng bệnh không giống nhau. “Bệnh sa sút trí tuệ” là thuật ngữ có nghĩa là một người không còn có khả năng tự kiểm soát do suy giảm nhiều khả năng trí tuệ kéo dài, ảnh hưởng đến trí nhớ, sự chú ý, và lý luận. Bệnh sa sút trí tuệ có thể do nhiều bệnh trạng khác nhau gây ra, như thương tích nặng ở đầu hoặc đột quỵ nghiêm trọng. Các bệnh sa sút trí tuệ phổ biến khác là bệnh sa sút trí tuệ cơ thể Lewy, bệnh sa sút trí tuệ vùng trán-thái dương, bệnh sa sút trí tuệ mạch máu, và bệnh sa sút trí tuệ Parkinson (xem tờ thông tin của FCA, Bệnh Sa Sút Trí Tuệ: Đây Có Phải Là Bệnh Sa Sút Trí Tuệ Không và Bệnh Này Có Nghĩa Là Gì?).
Mặc dù chưa hiểu rõ nguyên nhân và sự tiến triển của AD, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những thay đổi đầu tiên trong não xảy ra nhiều nhất là 15 năm trước khi các triệu chứng của bệnh sa sút trí tuệ biểu hiện ở người bị AD. Một số kiểu chụp não có thể phát hiện ra những thay đổi này. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn chưa đủ tiên tiến để có thể được sử dụng thực tế trong việc dự đoán người sau này sẽ phát triển bệnh Alzheimer.
Phòng ngừa bệnh Alzheimer là một chủ đề phổ biến trong giới truyền thông. Một số thực hành về lối sống không liên quan đến y khoa được khuyến nghị để có thể phòng ngừa, một phương thức lành mạnh để kiểm soát bệnh, và sức khỏe liên quan đến tuổi tác nói chung. Có bằng chứng, nhưng không phải bằng chứng được chứng minh rõ ràng, cho thấy kích thích thần kinh (trò chơi trí não), tập thể dục (như đi bộ, bơi lội, yoga), các hoạt động xã hội, và chế độ ăn uống khỏe mạnh (trái cây, rau củ, và thực phẩm có nhiều chất chống oxy hóa) có thể giúp ích.
Tuy nhiên, rất nhiều bằng chứng cho thấy những cơn đột quỵ nhỏ thường gặp ở những người bị bệnh Alzheimer, điều này chỉ làm cho các triệu chứng của AD xấu hơn. Với những gì chúng ta biết về phòng ngừa đột quỵ, duy trì huyết áp khỏe mạnh, tránh hoặc kiểm soát tốt bệnh tiểu đường, giảm cholesterol, và không hút thuốc là bốn việc chính bạn có thể làm để giảm nguy cơ.
Bệnh này có thể xuất hiện sớm ở độ tuổi 30, nhưng thường được chẩn đoán sau tuổi 60, và nguy cơ bị bệnh tăng theo tuổi tác. Ở độ tuổi 90, khoảng 40% dân số có thể bị ảnh hưởng. Tính di truyền của AD rất phức tạp, và kiế thức về điều này đang thay đổi nhanh chóng. Ngoại trừ một tỷ lệ nhỏ các gia đình có một gen duy nhất gây bệnh, việc thành viên gia đình bị AD chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh của bạn ở mức vừa phải. Bệnh Alzheimer được báo cáo là nguyên nhân gây tử vong cao thứ sáu ở Hoa Kỳ.
Triệu chứng
Người bị AD có thể cho thấy các triệu chứng của bệnh từ ba đến năm năm trước khi chẩn đoán. Giai đoạn này, khi sự thay đổi xuất hiện nhưng bệnh chưa chuyển biến xấu, được gọi là “suy giảm nhận thức nhẹ” hoặc MCI. Cần hiểu rằng không phải tất cả mọi người bị MCI sẽ mắc AD. Thực tế, khoảng 40-50% số này có thể không bao giờ mắc AD. (Xem Tờ thông tin của FCA Suy Giảm Nhận Thức Nhẹ (MCI).) Những vấn đề ban đầu thường được xem là những thay đổi bình thường do lão hóa, và chỉ khi nhìn lại thì người chăm sóc mới nhận thấy rằng các triệu chứng đã diễn ra trong nhiều năm. Mặc dù trung bình, người bệnh sống được thêm bốn đến tám năm sau khi chẩn đoán, nhưng việc họ sống thêm 20 năm không phải là hiếm. Để dễ dàng hiểu được những thay đổi xảy ra khi bệnh tiến triển, AD thường được chia thành ba giai đoạn: đầu, giữa và cuối. Tuy nhiên, sự phát triển và tiến triển của các triệu chứng ở mỗi cá nhân là khác nhau.
Chẩn đoán và thông tin khoa học về bệnh Alzheimer
Hiện nay không có xét nghiệm duy nhất dẫn đến việc chẩn đoán AD. Trước tiên, bác sĩ cần chứng minh được rằng mất trí nhớ là bất thường và kiểu triệu chứng phù hợp với AD. Việc này đôi khi đòi hỏi kiểm tra trí nhớ chuyên biệt. Sau đó, bác sĩ cần loại trừ các bệnh khác có thể gây ra cùng triệu chứng. Ví dụ, các triệu chứng tương tự có thể do trầm cảm, suy dinh dưỡng, thiếu vitamin, rối loạn tuyến giáp và rối loạn chuyển hóa khác, nhiễm trùng, tác dụng phụ của thuốc, lạm dụng ma túy và rượu, hoặc các tình trạng khác gây ra. Nếu các triệu chứng là đặc trưng của AD và không tìm thấy nguyên nhân khác, chẩn đoán sẽ được đưa ra. Dưới sự giám sát của bác sĩ lành nghề, chẩn đoán này là rất chính xác.
Thành viên gia đình hoặc bạn bè nhận thấy những vấn đề về trí nhớ hoặc hành vi bất thường của bệnh nhân thường yêu cầu đánh giá bệnh Alzheimer. Bác sĩ thường bắt đầu đánh giá bằng cách kiểm tra bệnh sử và thực hiện khám sức khoẻ, cũng như đánh giá khả năng nhận thức của bệnh nhân (các quá trình tâm thần về nhận thức, trí nhớ, phán đoán và lý luận). Phương pháp này có thể giúp bác sĩ xác định liệu có cần thêm kiểm tra nữa không Bác sĩ chăm sóc chính có thể giới thiệu bệnh nhân đến trung tâm chẩn đoán bệnh Alzheimer được chỉ định, hoặc bác sĩ thần kinh, bác sĩ chuyên khoa bệnh sa sút trí tuệ, hoặc lão khoa để khám bệnh chuyên sâu hơn. Việc khám bệnh này có thể bao gồm đánh giá y khoa, xem xét bệnh sử toàn diện, xét nghiệm máu, và chụp não (MRI hoặc PET), tiếp theo là đánh giá thần kinh và tâm lý học thần kinh chuyên sâu. Đánh giá bệnh sa sút trí tuệ nên bao gồm phỏng vấn các thành viên gia đình hoặc những người khác có quan hệ mật thiết với người được đánh giá.
Thông tin khoa học về việc xác định “chỉ dấu sinh học” của AD đang có nhiều tiến bộ nhanh chóng. Chỉ dấu sinh học là những phát hiện bất thường trong máu, dịch não tủy (CSF), hoặc trên ảnh chụp não, là chỉ báo cho AD. Bằng chứng thuyết phục cho thấy các xét nghiệm CSF đặc biệt có thể hữu ích về mặt chẩn đoán. Hiện nay, cũng có thể thấy amyloid, một protein bất thường chính trong AD, trong não bằng cách sử dụng chụp PET. Khi kiến thức ngày càng tiến bộ, các xét nghiệm này có thể được sử dụng trong lâm sàng. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, rõ ràng là chỉ riêng các xét nghiệm này sẽ không đủ để chẩn đoán AD. Việc chẩn đoán vẫn sẽ phụ thuộc vào đánh giá kỹ lưỡng và có kỹ năng.
Điều trị sau chẩn đoán
Chưa có ai hiểu hoàn toàn nguyên nhân gây bệnh Alzheimer, và hiện tại chưa có biện pháp chữa trị. Tuy nhiên, những tiến bộ đáng kể của các nhà nghiên cứu trong những năm gần đây, bao gồm cả việc phát triển một số loại thuốc cho AD giai đoạn đầu có thể giúp cải thiện chức năng nhận thức trong một thời gian.
Ba loại thuốc chính, donepezil (Aricept), rivastigmine (Exelon) và galantamine (Reminyl), đã chứng tỏ có lợi trong việc cải thiện trí nhớ, với ít tác dụng phụ mà thường là gây khó chịu ở đường tiêu hóa. Exelon được sản xuất ở dạng miếng dán, rất hữu ích cho những người gặp khó khăn khi nuốt thuốc. Thật tiếc, những loại thuốc này không hiệu quả cho tất cả mọi người, và hiệu quả của chúng giới hạn ở giai đoạn đầu và giữa của AD. Một loại thuốc khác là memantine HCl (Namenda) cũng được chỉ định để giúp trì hoãn sự tiến triển của AD và thường được sử dụng kết hợp với các loại thuốc trên. Bác sĩ cũng có thể chỉ định thuốc để giúp giảm kích động, lo lắng, và hành vi không thể dự đoán, cũng như cải thiện giấc ngủ và điều trị trầm cảm.
Các loại thuốc mới được phát triển và thử nghiệm thường xuyên. Những người muốn tham gia thử nghiệm lâm sàng nên thảo luận về ưu điểm và nhược điểm với bác sĩ và gia đình của họ. Thông tin về thử nghiệm thuốc lâm sàng và các nghiên cứu khác có sẵn tại Trung Tâm Giáo Dục và Giới Thiệu Bệnh Alzheimer (ADEAR) và Cơ Quan Đăng Ký Nghiên Cứu của FCA.
Chăm sóc thường xuyên của bác sĩ đóng vai trò quan trọng. Những thay đổi lớn, đột ngột về tình trạng tâm thần có thể là triệu chứng chính của các tình trạng có thể điều trị quan trọng như là nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), viêm phổi, hoặc thậm chí gãy xương. Nếu bác sĩ biết rõ bệnh nhân, họ có thể nhanh chóng nhận ra sự thay đổi về tình trạng tâm thần. Nhưng nếu họ được giới thiệu một bệnh nhân bị sa sút trí tuệ mà họ không gặp trong nhiều năm, có thể rất khó để biết liệu có bất cứ thay đổi nào không và không thể bắt đầu khám chẩn đoán phù hợp.
Chăm sóc người bị bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer được gọi là bệnh gia đình, bởi vì căng thẳng mạn tính khi nhìn thấy người thân từ từ suy giảm ảnh hưởng đến mọi người. Việc điều trị hiệu quả sẽ giải quyết nhu cầu của cả gia đình. Người chăm sóc phải tập trung vào nhu cầu của chính họ, dành thời gian cho sức khỏe của họ, và nhận sự hỗ trợ, nghỉ ngơi thường xuyên sau công việc chăm sóc để có thể luôn khỏe mạnh trong cuộc hành trình chăm sóc này. Hỗ trợ tình cảm và thực tiễn, tư vấn, thông tin nguồn lực, và các chương trình giáo dục về bệnh Alzheimer đều giúp người chăm sóc mang đến sự chăm sóc tốt nhất có thể cho người thân.
Dĩ nhiên điều dễ nhất một người có thể nói và điều khó chấp nhận nhất là lời khuyên chăm sóc bản thân khi bạn là người chăm sóc. Theo một người chăm sóc, “sự chăm sóc mà bạn dành cho bản thân là sự chăm sóc mà bạn dành cho người thân của mình.” Thường khó có thể nhìn được xa hơn những công việc chăm sóc đang chờ đón bạn mỗi buổi sáng.
Thông qua đào tạo, người chăm sóc có thể học cách kiểm soát các hành vi đầy thách thức, cải thiện kỹ năng giao tiếp, và bảo đảm an toàn cho người bị bệnh Alzheimer. Nghiên cứu cho thấy người chăm sóc ít bị căng thẳng hơn và có sức khỏe tốt hơn khi họ học các kỹ năng thông qua khóa đào tạo người chăm sóc và tham gia vào (các) nhóm hỗ trợ (trực tuyến hoặc trực tiếp). Việc tham gia vào các nhóm này có thể cho phép người chăm sóc chăm sóc người thân ở nhà lâu hơn.
Khi bạn bắt đầu làm người chăm sóc gia đình, thật khó để biết bắt đầu từ đâu. Có lẽ bạn chỉ vừa mới nhận ra rằng người thân cần được trợ giúp và không còn tự phục vụ như trước đây nữa. Hoặc có lẽ sức khỏe của họ đã có sự thay đổi đột ngột.
Bây giờ là lúc hành động, và lưu tâm đến những người, dịch vụ, và thông tin sẽ giúp bạn chăm sóc. Bạn càng được hỗ trợ sớm thì càng tốt.
Các nguồn lực được liệt kê ở cuối tờ thông tin này sẽ giúp bạn xác định các lớp đào tạo và nhóm hỗ trợ tại địa phương. (Xem hai tờ thông tin của FCA: Hướng Dẫn cho Người Chăm Sóc về Hiểu Hành Vi Sa Sút Trí Tuệ, và Bệnh Sa Sút Trí Tuệ, Chăm Sóc và Kiểm Soát Sự Chán Nản; cũng như bài viết Mười Chiến Lược Chăm Sóc Bệnh Sa Sút Trí Tuệ trong Thực Tế).
Vai trò của người chăm sóc thay đổi theo thời gian khi nhu cầu của người bị AD thay đổi. Bảng sau tóm tắt các giai đoạn của AD, những loại hành vi dự kiến, và thông tin và các khuyến nghị về chăm sóc liên quan đến từng giai đoạn của bệnh.
Bệnh Alzheimer
|
Chăm sóc giai
|
|
Trong giai đoạn đầu, cả người chăm sóc và người bị AD sẽ muốn dành thời gian điều chỉnh theo chẩn đoán và lập kế hoạch cho tương lai:
|
Bệnh Alzheimer
|
Chăm sóc giai
|
|
Trong giai đoạn giữa của AD, vai trò của người chăm sóc sẽ mở rộng đến toàn thời gian. Việc bảo đảm an toàn cho người bị AD sẽ được ưu tiên. Cả người bị AD và người chăm sóc sẽ cần giúp đỡ và hỗ trợ.
|
Bệnh Alzheimer
|
Chăm sóc giai
|
|
|
Một lần nữa, cần nhớ rằng những ảnh hưởng thay đổi cuộc đời của bệnh Alzheimer đối với cả người được chẩn đoán mắc AD và người đảm nhận trách nhiệm chăm sóc không có nghĩa là sẽ không còn thời gian vui vẻ nữa. Mặc dù những thách thức là có thật, sự tiến triển chậm thông thường của bệnh này mang đến thời gian để chia sẻ tiếng cười, sự gần gũi, và trải nghiệm xã hội. Bạn sẽ có cơ hội quản lý trướccác vấn đề pháp lý và tài chính và điều chỉnh theo chẩn đoán để có thể tận dụng tối đa thời gian cùng nhau.
Nguồn lực
Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia Đình
Trung Tâm Chăm Sóc Quốc Gia)
(415) 434-3388 | (800) 445-8106
Trang web: www.caregiver.org
Email: info@caregiver.org (liên kết gửi e-mail)
Dịch Vụ Hỗ Trợ Chăm Sóc Cá Nhân FCA CareNav: https://fca.cacrc.org/login
Services by State: https://www.caregiver.org/connecting-caregivers/services-by-state/
Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia Đình (FCA) tìm cách cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người chăm sóc thông qua đào tạo, các dịch vụ, nghiên cứu và vận động. Thông qua Trung Tâm Chăm Sóc Quốc Gia, FCA cung cấp thông tin về các vấn đề xã hội, chính sách công, và chăm sóc hiện tại và hỗ trợ phát triển các chương trình của nhà nước và tư nhân cho người chăm sóc, cũng như trung tâm cuộc gọi miễn phí cho người chăm sóc gia đình và chuyên gia trên toàn quốc. Đối với cư dân Vùng Vịnh San Francisco, FCA cung cấp dịch vụ hỗ trợ gia đình trực tiếp cho người chăm sóc những người mắc bệnh Alzheimer, đột quỵ, ALS, thương tích ở đầu, Parkinson và các rối loạn não suy yếu khác gây tổn thương cho người trưởng thành.
Tài liệu thông tin và lời khuyên của FCA
Danh sách tất cả các tờ thông tin và lời khuyên có sẵn trực tuyến tại www.caregiver.org/fact-sheets.
Hướng Dẫn cho Người Chăm Sóc về Hiểu Hành Vi Sa Sút Trí Tuệ
Chăm Sóc và Mất Mát Mơ Hồ
Chăm Sóc Tại Nhà: Hướng Dẫn về Nguồn Lực Cộng Đồng
Bệnh Sa Sút Trí Tuệ, Chăm Sóc và Kiểm Soát Sự Chán Nản
Bệnh Sa Sút Trí Tuệ:Đây Có Phải Là Bệnh Sa Sút Trí Tuệ Không và Bệnh Này Có Nghĩa Là Gì?
Bệnh Tiến Triển: Duy Trì và Tiếp Tục
Thuê Người Trợ Giúp Tại Nhà
Nhà ở Một Nơi Xa Gia Đình: Chuyển Chỗ Ở cho Cha Mẹ
Đưa Ra Lựa Chọn Về Chăm Sóc Hàng Ngày
Suy Giảm Nhận Thức Nhẹ (MCI)
Mười Chiến Lược Chăm Sóc Bệnh Sa Sút Trí Tuệ trong Thực Tế
Những tổ chức và đường dẫn khác
Hiệp Hội Alzheimer
www.alz.org (liên kết bên ngoài)
Đào tạo, hỗ trợ, và cung cấp dịch vụ cho những người được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer và các tình trạng liên quan.
Trung Tâm Giáo Dục và Giới Thiệu về Bệnh Alzheimer
www.nia.nih.gov/alzheimers (liên kết bên ngoài)
Trung tâm cung cấp thông tin về bệnh Alzheimer, nghiên cứu hiện tại, và các thử nghiệm lâm sàng.
Quỹ Alzheimer Hoa Kỳ
www.alzfdn.org (liên kết bên ngoài)
Quỹ Alzheimer Hoa Kỳ hỗ trợ, trợ cấp nghỉ ngơi, và cung cấp đường dây điện thoại miễn phí cho những người chăm sóc gia đình muốn nói chuyện với nhân viên công tác xã hội, các bài viết trực tuyến, giáo dục và đào tạo chuyên môn, và Thanh Thiếu Niên AFA.
Eldercare Locator
eldercare.acl.gov (liên kết bên ngoài)
Eldercare Locator giúp người cao tuổi và người chăm sóc của họ tìm các dịch vụ địa phương bao gồm tư vấn bảo hiểm y tế, dịch vụ pháp lý miễn phí và chi phí thấp, và thông tin cho các Cơ Quan Lão Hóa của Khu Vực tại địa phương.
Tờ thông tin này được chuẩn bị và cập nhật bởi Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia Đình và được Bruce R. Reed, Tiến Sĩ, Giáo Sư Thần Kinh Học, Phó Giám Đốc, Trung Tâm Bệnh Alzheimer UC Davis xem xét. © 2012 Family Caregiver Alliance. Tất cả các quyền được bảo hộ.