Chấn Thương Sọ Não (Traumatic Brain Injury)
Giới Thiệu
Mỗi năm, ước tính có khoảng 2.5 triệu người tại Hoa Kỳ bị chấn thương sọ não (traumatic brain injury, TBI) nhưng tổng số trường hợp bệnh vẫn chưa được xác định. Chấn thương sọ não thường làm thay đổi cuộc sống của người sống sót sau khi mắc bệnh, gia đình và người chăm sóc. Tờ thông tin này thảo luận về chấn thương sọ não và hậu quả của bệnh này cũng như cung cấp thông tin về các nguồn tài nguyên hữu ích dành cho các gia đình đang chăm sóc cho người thân bị ảnh hưởng bởi TBI.
Định Nghĩa
Chấn thương sọ não được coi là một Chấn Thương Não Mắc Phải. Tình trạng này xảy ra do va chạm hoặc va đập mạnh vào đầu dẫn đến tổn thương ở não. TBI có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng. Cần lưu ý rằng mỗi bộ não đều khác nhau và mọi chấn thương đều có điểm khác biệt. Do đó, chấn thương não ở mỗi người là hoàn toàn độc nhất. Không giống với bất kỳ cơ quan nào khác trong cơ thể, bộ não đặt ra thử thách khác nhau cho cả việc chẩn đoán các tổn thương cụ thể do chấn thương và xác định chính xác cách phục hồi chức năng cần thiết.
TBI nhẹ xảy ra khi một người có thay đổi trong thời gian ngắn về trạng thái tâm thần hoặc mất ý thức. Chấn động não, là loại tổn thương não phổ biến nhất, được phân loại là chấn thương sọ não nhẹ. TBI nhẹ thường không được chẩn đoán và do đó, người mắc chấn thương này sẽ mất đi các phúc lợi phục hồi chức năng và chăm sóc y tế. TBI nhẹ cũng có thể để lại những ảnh hưởng lâu dài trong khi những ảnh hưởng này có thể được giảm nhẹ nếu được chăm sóc đúng cách. TBI nặng có thể gây mất ý thức trong nhiều giờ hoặc nhiều tuần và có thể dẫn đến tàn tật vĩnh viễn.
Bất kỳ dạngTBI nào, dù nhẹ hay nặng, đều có thể dẫn đến tàn tật ngắn hạn hoặc lâu dài.
Có nhiều loại chấn thương sọ não khác nhau, bao gồm các loại sau.
- Chấn động não: Loại TBI phổ biến nhất
- Chấn thương hở: Đạn hoặc các vật thể khác đi vào hộp sọ
- Bầm giập: Chảy máu do va chạm vào đầu
- Tổn thương sợi trục lan tỏa: Tổn thương do rách mô não bên trong hộp sọ
Thực Trạng
- Ít nhất 5.3 triệu người Mỹ, khoảng 2% dân số, hiện đang phải chung sống với những khuyết tật liên quan đến chấn thương não.
- Nam giới có nguy cơ mắc TBI cao gấp hai lần nữ giới.
- TBI phổ biến nhất ở thanh thiếu niên (15–24 tuổi) và người cao tuổi (75 tuổi trở lên).
- Các nguyên nhân phổ biến nhất gây ra TBI:
- Té ngã (40.5%);
- Chấn thương kín không chủ ý (15.5%);
- Tai nạn xe cơ cộ (14.3%);
- Bạo lực (10%).
- TBI là yếu tố chiếm một phần ba (30.5%) trong tổng số trường hợp tử vong liên quan đến chấn thương tại Hoa Kỳ.
- Ở Hoa Kỳ, tổng chi phí y tế trực tiếp của TBI − và các chi phí liên quan khác như mất năng suất − là hơn $60 tỷ mỗi năm.
Hậu Quả
TBI có thể dẫn đến những thay đổi nhẹ, trung bình hoặc nghiêm trọng ở một hoặc nhiều năng lực, chẳng hạn như suy nghĩ, ngôn ngữ, chức năng thể chất và hành vi xã hội. Đối với một số người, hậu quả của TBI có thể kéo dài suốt đời, trong khi một số người khác vẫn có thể lại tiếp tục thực hiện các hoạt động mà họ yêu thích từ trước khi gặp chấn thương. Nếu chấn thương đủ nghiêm trọng, kể cả là do chấn động não, bệnh nhân có thể sẽ không bao giờ hoạt động bình thường trở lại như trước khi bị chấn thương.
Thay đổi về nhận thức (hay thay đổi trong suy nghĩ) có thể xảy ra do chấn thương não được thể hiện một phần như trong danh sách sau.
- Suy giảm khả năng tập trung
- Các vấn đề về trí nhớ, đặc biệt là trí nhớ ngắn hạn
- Khó khăn trong việc giải quyết vấn đề và làm theo chỉ dẫn
- Phán đoán kém
- Mất một phần hoặc hoàn toàn các kỹ năng đọc và viết
- Các vấn đề về ngôn ngữ, bao gồm suy giảm khả năng giao tiếp và mất mát từ vựng
- Không có khả năng hiểu các khái niệm trừu tượng
- Khó khăn trong việc học những điều mới
Một số thay đổi về thể chất có thể xảy ra do chấn thương não bao gồm những điều sau.
- Suy nhược
- Các vấn đề về phối hợp cơ, bao gồm cả các vấn đề về nuốt
- Liệt hoàn toàn hoặc một phần
- Thay đổi về chức năng tình dục
- Thay đổi trong các giác quan (thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác, v.v.)
- Co giật
- Vấn đề về giấc ngủ
- Khó khăn về khả năng nói và tìm kiếm từ ngữ
Những thay đổi về cá tính và hành vi có thể nhỏ hoặc nghiêm trọng, bao gồm những điều sau.
- Khó khăn trong các kỹ năng xã hội
- Không có khả năng thông cảm với người khác
- Có xu hướng tự coi mình là trung tâm hơn
- Không có khả năng kiểm soát cảm xúc, dễ xúc động
- Cáu kỉnh và bực bội hơn
- Có hành vi không phù hợp và/hoặc hung hăng, dễ nổi nóng
- Tâm trạng cực kỳ thất thường
- Trầm cảm (những người với TBI được coi là có nguy cơ mắc trầm cảm cao)
Để biết thêm thông tin về cách xử lý những vấn đề về hành vi bắt nguồn từ TBI, hãy xem tờ thông tin của Family Caregiver Alliance (FCA) Coping with Behavior Problems After Head Injury (Đối Mặt Với Những Vấn Đề Về Hành Vi Sau Chấn Thương Đầu). Ngoài ra, Brain Injury Handbook (Cẩm Nang về Chấn Thương Não) miễn phí và toàn diện, được soạn thảo bởi Schurig Center for Brain Injury Recovery, cũng là một nguồn tài nguyên thực tế, hữu ích để giúp định hướng quá trình phục hồi chức năng.
Tiên Lượng (hay Khả Năng Hồi Phục)
Rất khó để dự đoán mức độ hồi phục của một người bị chấn thương não, một phần là do bác sĩ không thể thực hiện xét nghiệm nào để đưa ra dự đoán một cách đáng tin cậy về sự thiếu hụt và khả năng hồi phục. Trên thực tế, ảnh chụp não bộ có thể trông bình thường sau một chấn thương não nhẹ hoặc trung bình. Thang Điểm Hôn Mê Glasgow được sử dụng để xác định mức độ nghiêm trọng ban đầu của chấn thương não. Thang điểm này thường được sử dụng tại hiện trường vụ tai nạn hoặc trong phòng cấp cứu. Thang điểm này dựa vào chuyển động của mắt và khả năng nói cũng như cử động của các bộ phận cơ thể khác để xác định mức độ nghiêm trọng của chấn thương.
Tiên lượng của người thân của quý vị sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm mức độ nghiêm trọng của chấn thương, loại chấn thương và những phần nào của não bị ảnh hưởng. Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ giúp ích cho quá trình phục hồi chức năng. Đánh giá tâm lý thần kinh rất hữu ích trong việc xác định mức độ ảnh hưởng của chấn thương não đến các vùng chức năng nhận thức và cung cấp hướng dẫn quan trọng trong việc xác định phương pháp phục hồi chức năng cần thiết. Hãy hỏi nhóm y tế của quý vị về việc đánh giá tâm lý thần kinh và các xét nghiệm khác có thể giúp ích, bao gồm các khám xét về thị giác, thính giác và thăng bằng.
Lời Khuyên Về Hồi Phục Cho Người Với TBI
Quá trình hồi phục của mỗi người mỗi khác nhau − bởi mỗi bộ não đều khác nhau và mọi chấn thương đều có điểm khác biệt. Việc hồi phục thường kéo dài — từ vài tháng đến vài năm — vì bộ não hồi phục chậm và khác với các cơ quan khác trong cơ thể. Dưới đây là những lời khuyên để hỗ trợ hồi phục cho người với chấn thương não.
- Nghỉ ngơi thật nhiều.
- Tránh làm những việc có thể gây ra một cú va chạm hoặc va đập khác ở đầu.
- Hỏi bác sĩ về thời điểm an toàn để lái xe, đạp xe đạp, chơi thể thao hoặc sử dụng các thiết bị nặng.
- Không sử dụng đồ uống có rượu hoặc lạm dụng chất kích thích; chúng có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến não bị chấn thương.
- Ghi chép lại mọi thứ, sử dụng lịch, duy trì nhật ký hàng ngày nếu có thể và sử dụng chuông báo của điện thoại thông minh để giúp xây dựng lại khả năng ghi nhớ.
- Tập thói quen thường xuyên lặp lại các hành động và sinh hoạt để cải thiện chức năng. Việc lặp lại chính là chìa khóa của quá trình phục hồi chức năng trong khi bộ não hồi phục.
- Nhờ bác sĩ giới thiệu các dịch vụ phục hồi chức năng có thể hỗ trợ phục hồi.
- Cất giữ các vật dụng quan trọng, chẳng hạn như chìa khóa hoặc ví của quý vị, ở cùng một nơi nhất định để tránh làm thất lạc.
- Duy trì nhịp sống ổn định. Nghỉ giải lao khi cần thiết.
- Tập trung vào từng việc một.
- Thực hiện các công việc trong một môi trường yên tĩnh, không gây mất tập trung.
- Nếu quý vị cảm thấy cáu kỉnh hoặc tức giận, hãy thử các phương pháp thư giãn và/hoặc tránh xa tình huống đó.
- Nếu cảm thấy cáu kỉnh hoặc khó tập trung, liệu quý vị có đang ngủ đủ giấc hay không?
- Nếu cảm thấy khó ngủ, liệu quý vị có đang sử dụng đồ uống tăng lực hay đồ uống có rượu không?
Phục Hồi Chức Năng
Mục tiêu của việc phục hồi chức năng là để giúp người thân của quý vị sống và hoạt động một cách độc lập nhất có thể. Phục hồi chức năng giúp cơ thể hồi phục và hỗ trợ bộ não trong việc học lại các quy trình để việc phục hồi có thể diễn ra hiệu quả nhất có thể. Phục hồi chức năng cũng sẽ giúp người với TBI học được những cách mới để thực hiện nhiều việc khi đã bị mất đi các khả năng từng có.
Sau khi người thân của quý vị trải qua quá trình điều trị cứu sống ban đầu tại thời điểm bị chấn thương, nhiều khả năng là họ sẽ bắt đầu một chương trình phục hồi chức năng và sẽ làm việc với một đội ngũ chuyên gia. Người với TBI và gia đình của họ là những thành viên quan trọng nhất của đội ngũ phục hồi chức năng. Thành viên trong gia đình nên tham gia vào việc phục hồi chức năng và điều trị nhiều nhất có thể. Đội ngũ này có thể bao gồm một số chuyên gia khác như sau đây.
- Bác Sĩ Trị Liệu hoặc Bác Sĩ Y Học Vật Lý và Phục Hồi Chức Năng (Physical Medicine and Rehabilitation, PMR): Các bác sĩ là chuyên gia về y học phục hồi chức năng và thường giám sát quá trình phục hồi chức năng.
- Bác Sĩ Chuyên Khoa Thần Kinh: Các bác sĩ được đào tạo về chẩn đoán và điều trị các rối loạn của hệ thần kinh, bao gồm các bệnh về não, co giật, tủy sống, dây thần kinh và cơ.
- Chuyên Gia Trị Liệu Nghề Nghiệp, Vật Lý và Ngôn Ngữ Nói: Các chuyên gia trị liệu giúp bệnh nhân lấy lại khả năng nhận thức và thể chất, cũng như các kỹ năng giao tiếp và hành vi.
- Bác Sĩ Tâm Lý Học Thần Kinh: Các nhà tâm lý học chuyên môn tập trung vào các vấn đề về hành vi và kỹ năng tư duy.
- Cố Vấn Phục Hồi Chức Năng Nghề Nghiệp và Tư Vấn Nghề Nghiệp: Các chuyên gia về nghề nghiệp giúp lấy lại các kỹ năng làm việc và duy trì công việc sau chấn thương.
Điều quan trọng cần nhớ là việc phục hồi chức năng có thể mất nhiều năm, và người thân của quý vị sẽ được hưởng lợi từ khả năng nhận các dịch vụ phục hồi chức năng trong suốt thời gian này. Các chương trình và phương pháp điều trị thích hợp cũng sẽ thay đổi khi nhu cầu của người thân của quý vị thay đổi.
Nhiều chương trình điều trị và phục hồi chức năng có thể giúp ích cho người thân của quý vị. Dưới đây là một số loại hình cơ sở phục hồi chức năng khác nhau.
- Phục Hồi Chức Năng Cấp Tính: Chương trình phục hồi chức năng tại bệnh viện, nội trú, chuyên sâu
- Chương Trình Phục Hồi Chức Năng Dài Hạn, Toàn Diện: Cung cấp phục hồi chức năng toàn diện bao gồm vật lý trị liệu, nghề nghiệp và ngôn ngữ; tư vấn tâm lý, các kỹ năng sống hàng ngày và sống độc lập; điều chỉnh hành vi và giao lưu nhóm; chương trình phục hồi chức năng nghề nghiệp và chuẩn bị đi làm; giới thiệu việc làm đi kèm tư vấn nghề nghiệp. Đây thường là một chương trình ngoại trú vào các ngày trong tuần; nhưng cũng có thể được tổ chức tại một cơ sở phục hồi chức năng.
- Chương Trình Điều Trị Ban Ngày: Cung cấp phục hồi chức năng cơ bản, điều chỉnh hành vi và giao lưu nhóm vào các ngày trong tuần.
- Trung Tâm Điều Trị Hôn Mê: Chăm sóc y tế dành riêng cho trường hợp hôn mê
- Cuộc Sống Chuyển Tiếp: Chương trình nhà ở phi y tế hướng dẫn các kỹ năng sống độc lập và tái hòa nhập cộng đồng.
- Chương Trình Sống Có Giám Sát và Chăm Sóc Dài Hạn: Các cơ sở nhà ở cung cấp dịch vụ chăm sóc và phục hồi chức năng cho những người với TBI không có khả năng sống độc lập.
Phòng Ngừa
TBI có thể làm thay đổi cuộc sống. Nhiều chấn thương nghiêm trọng có thể được ngăn ngừa, hoặc ít nhất là giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng khi có các biện pháp phòng ngừa thích hợp. Sau đây là các lời khuyên để giảm thiểu nguy cơ bị TBI.
- Toàn bộ hành khách nên cài dây đeo đùi và dây an toàn qua vai khi ở trong xe hơi.
- Sử dụng ghế an toàn cho trẻ sơ sinh và trẻ em được lắp đặt đúng cách. Đại diện của sở cảnh sát địa phương hoặc đội tuần tra đường cao tốc có thể hướng dẫn cho quý vị phương pháp lắp đặt đúng.
- Tránh uống rượu khi lái xe hoặc lái xe khi sử dụng thuốc hoặc chất kích thích.
- Đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy, xe đạp và các bộ môn thể thao giải trí khác.
- Không sử dụng các thiết bị cầm tay hoặc điện thoại thông minh khi lái xe hoặc khi tham gia vào hoạt động, kể cả khi đi bộ. Điện thoại thông minh có thể khiến quý vị phân tâm đủ lâu để gặp tai nạn, té ngã hay bị tông khi qua đường.
Để tránh bị té ngã, mọi người nên:
- Sử dụng tay vịn trên cầu thang.
- Lắp đặt đủ đèn chiếu sáng, đặc biệt là ở cầu thang cho những người có thị lực kém hoặc đi lại khó khăn.
- Lắp đặt thanh chắn trên cửa sổ để ngăn trẻ không bị ngã.
- Không đặt vật cản tại lối đi.
- Tập thể dục để tăng cường sức khỏe, độ dẻo dai và khả năng thăng bằng
Chăm Sóc
Khi một người với TBI, toàn bộ gia đình đều bị ảnh hưởng. Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người chăm sóc bệnh nhân bị chấn thương não có thể mang cảm giác gánh nặng, mệt mỏi, lo âu, tức giận và trầm cảm. Nếu đang chăm sóc bạn đời, vợ/chồng, con cái, họ hàng hoặc người bạn thân thiết với TBI, quý vị nên hiểu được mức độ căng thẳng của tình trạng này và tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ.
Các dịch vụ có thể hữu ích nhất đối với quý vị bao gồm hỗ trợ tại nhà (hỗ trợ sức khỏe tại nhà hoặc trợ tá chăm sóc cá nhân), chăm sóc thay thế để tạo ra thời gian nghỉ ngơi tách khỏi việc chăm sóc, các nhóm hỗ trợ chấn thương não và tư vấn liên tục hoặc ngắn hạn để điều chỉnh theo tất cả những thay đổi trong cuộc sống sau chấn thương. Để tránh bị kiệt sức, quý vị cũng có thể phải nhờ đến hệ thống hỗ trợ gồm gia đình, bạn bè và các thành viên trong cộng đồng để được giúp đỡ trong việc chăm sóc người thân của quý vị. (Xem tờ thông tin của Family Caregiver Alliance: Chăm Sóc BẢN THÂN: Tự Chăm Sóc Sức Khoẻ Cho Bản Thân để xem thêm các lời khuyên về việc chăm sóc bản thân.)
Trong vai trò là người chăm sóc, quý vị có thể sẽ cảm thấy rằng việc tìm kiếm các dịch vụ thích hợp và đầy đủ cho người thân của quý vị thật khó khăn. Quý vị nên biết có nhiều khả năng rằng quý vị sẽ phải hỗ trợ người thân của mình và kiên trì trong việc tìm kiếm trợ giúp. Quý vị nên tận dụng mạng lưới gia đình và bạn bè, cũng như các chuyên gia, để nhận lời khuyên về các nguồn tài nguyên có sẵn và cung cấp hỗ trợ.
Cẩm Nang về Chấn Thương Não(in English) miễn phí và toàn diện, được soạn thảo bởi Schurig Center for Brain Injury Recovery, cũng là một nguồn tài nguyên thực tế, hữu ích để giúp định hướng quá trình phục hồi chức năng.
Đáp Ứng Của Bộ Cựu Chiến Binh về TBI
Do tỷ lệ TBI cao trong lĩnh vực quân sự, Bộ Cựu Chiến Binh (Veteran Affairs, VA) và các lĩnh vực khác của hệ thống y tế quân đội Hoa Kỳ đã trở nên tích cực trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến TBI.
Các quân nhân phục vụ tại ngũ và các quân nhân dự bị có nguy cơ bị TBI cao hơn so với người dân sự đồng lứa. Đây là kết quả của nhiều yếu tố, bao gồm nhân khẩu học đặc trưng của quân đội; nhìn chung, nam thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 24 có nguy cơ bị TBI cao nhất. Điều này còn liên quan đến khả năng cao bị phái đến các khu vực mà họ có nguy cơ hứng chịu (các) vụ nổ và nguy hiểm tiềm ẩn trong các hoạt động huấn luyện và tác chiến phổ biến nhất thường thấy trong quân đội.
Nghiên cứu được thực hiện vào năm 2005 bởi Trung Tâm về Chấn Thương Não của Bộ Quốc Phòng và Cựu Chiến Binh (Defense and Veterans Brain Injury Center, DVBIC) đã phát hiện ra rằng các vụ nổ kết hợp với các cơ chế khác là nguyên nhân hàng đầu gây ra TBI ở các quân nhân phục vụ tại ngũ trong các vùng chiến sự. Ngoài ra, những người từng bị TBI có nguy cơ chịu chấn thương cao hơn về sau, những chấn thương này có thể có nhiều triệu chứng hơn, so với những người bị TBI lần đầu.
VA đã hoàn thành một hệ thống chăm sóc tích hợp trên toàn quốc cho các cựu chiến binh và quân nhân phục vụ tại ngũ đang hồi phục sau TBI. Hệ thống này được thiết kế để cung cấp dịch vụ chăm sóc cho những người với TBI như một bệnh trạng độc lập, hoặc trong tình trạng có thêm chấn thương hoặc các bệnh đi kèm. Hệ thống bao gồm hơn 100 trung tâm y tế của VA, mỗi trung tâm cung cấp dịch vụ chăm sóc phục hồi chức năng chuyên biệt bởi một đội ngũ liên ngành.
Nhiều bước đã được thực hiện để cải thiện việc xác định và điều trị TBI.
- Vào năm 2007, VA đã tiến hành truy tầm TBI cho mọi cựu chiến binh.
- Các cựu chiến binh có kết quả truy tầm khẳng định với TBI được chỉ dẫn thực hiện đánh giá toàn diện với các nhà cung cấp dịch vụ chuyên khoa, đây là người có thể quyết định một chẩn đoán xác định.
- Một Kế Hoạch Chăm Sóc Điều trị Phục Hồi Chức Năng và Tái Hòa Nhập cho từng cá nhân được phát triển cho những Cựu Chiến Binh cần các dịch vụ phục hồi liên tục.
Dịch Vụ và Nguồn Tài Nguyên Hữu Ích Dành Cho Người với TBI và Người Chăm Sóc
Bảo Vệ và Hỗ Trợ Người Khuyết Tật của National Disability Rights Network
Hệ Thống Bảo Vệ và Vận Động Ủng Hộ (Protection and Advocacy, P&A) và Chương Trình Hỗ Trợ Khách Hàng (Client Assistance Program, CAP)
Mạng lưới các cơ quan bảo vệ quyền lợi của người khuyết tật được quốc hội ủy quyền trên toàn quốc này cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau cho người bị khuyết tật, bao gồm cả TBI. Các cơ quan P&A cung cấp thông tin và các dịch vụ giới thiệu, đồng thời giúp đỡ những người khuyết tật tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề liên quan đến phân biệt đối xử và việc làm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và đi lại, đưa ra quyết định cá nhân và các phúc lợi dành cho người khuyết tật của An Sinh Xã Hội. Các cơ quan này đồng thời cũng vận động ủng hộ cho gia đình và cá nhân. Các cơ quan CAP giúp khách hàng tìm kiếm dịch vụ phục hồi chức năng nghề nghiệp. Để biết thêm thông tin về các chương trình P&A và CAP, hãy truy cập trang web của National Disability Rights Network, ndrn.org.
Hệ Thống Mô Hình Chấn Thương Sọ Não
Được tài trợ bởi Viện Nghiên Cứu Phục Hồi Chức Năng và Khuyết Tật Quốc Gia, Hệ Thống Mô Hình TBI bao gồm 16 trung tâm điều trị TBI trên khắp Hoa Kỳ. Hệ Thống Mô Hình TBI có nhiều kinh nghiệm trong việc điều trị bệnh nhân TBI và được liên kết với các trung tâm y tế uy tín cung cấp dịch vụ chăm sóc chấn thương chất lượng cao, từ lúc bắt đầu gặp chấn thương ở đầu cho đến quá trình phục hồi chức năng. Để biết thêm thông tin về Hệ Thống Mô Hình TBI, hãy truy cập tbindsc.org.
Hiệp Hội Chấn Thương Não Hoa Kỳ
biausa.org
Đây là một tổ chức vận động ủng hộ và nâng cao nhận thức của quốc gia với nhiệm vụ phát triển và phổ biến thông tin giáo dục về chấn thương não và các tài nguyên, quyền lợi hợp pháp và dịch vụ. Hiệp Hội này cung cấp nhiều thông tin liên quan đến chấn thương não và có chi nhánh ở các tiểu bang trên khắp Hoa Kỳ.
Chi Nhánh Đặc Quyền của Tiểu Bang thuộc Hiệp Hội Chấn Thương Não Hoa Kỳ (BIAA)
Hiệp Hội Chấn Thương Não Hoa Kỳ (Brain Injury Association of America, BIAA) là một chương trình quốc gia với mạng lưới gồm hơn
40 chi nhánh đặc quyền của tiểu bang, cũng như hàng trăm chi hội địa phương cung cấp thông tin, giáo dục và hỗ trợ cho các cá nhân, gia đình và chuyên gia chịu ảnh hưởng của chấn thương não. Để tìm các chương trình TBI có thể hỗ trợ tại tiểu bang của quý vị, hãy xem danh sách trực tuyến của Hiệp Hội Chấn Thương Não Hoa Kỳ về các chi nhánh đặc quyền của tiểu bang tại biausa.org/state-affiliates.
Bảo Hiểm Khuyết Tật An Sinh Xã Hội (SSDI) và Thu Nhập An Sinh Bổ Sung (SSI)
Người thân của quý vị có thể được hưởng Bảo Hiểm Khuyết Tật An Sinh Xã Hội (Social Security Disability Insurance, SSDI) và/hoặc Thu Nhập An Sinh Bổ Sung (Supplemental Security Income, SSI). Sự hợp lệ để được nhận SSDI và SSI phụ thuộc vào một số yếu tố bao gồm mức độ nghiêm trọng của tình trạng khuyết tật và tài sản cũng như thu nhập của người thân của mình. Quý vị nên liên hệ với Cơ Quan Quản Lý An Sinh Xã Hội để tìm hiểu thêm về các chương trình này và xem liệu người thân của quý vị có đủ điều kiện nhận các phúc lợi này không. Để biết thêm thông tin về SSDI và SSI, hãy truy cập ssa.gov.
Trung Tâm Sinh Sống Độc Lập (CIL)
Một số gia đình nhận thấy rằng điều quan trọng là phải khuyến khích người thân với TBI của họ liên tục học các kỹ năng mà có thể giúp họ sống độc lập nhất có thể. Các trung Tâm Sinh Sống Độc Lập (Centers for Independent Living, CIL) có mặt trên toàn quốc để giúp những người khuyết tật sống độc lập trong cộng đồng và có thể tiếp cận nguồn lực để hỗ trợ người thân của quý vị đạt được mục tiêu sống một mình. Các dịch vụ của CIL bao gồm vận động ủng hộ, tư vấn bởi người đồng cảnh, quản lý hồ sơ, tư vấn và hỗ trợ cá nhân, thông tin và giới thiệu, và phát triển các kỹ năng sống độc lập. Để biết thêm thông tin về hệ thống CIL quốc gia, hãy truy cập virtualcil.net/cils.
Trung Tâm Chấn Thương Não của Bộ Quốc Phòng và Cựu Chiến Binh
dvbic.dcoe.mil
Phục vụ quân nhân tại ngũ, người phụ thuộc của họ và các cựu chiến binh với chấn thương sọ não. Cung cấp đánh giá, điều trị, chăm sóc theo dõi, tài liệu giáo dục và nghiên cứu.
Brainline.org
brainline.org
Trung Tâm Tài Nguyên về Chấn Thương Não
headinjury.com
Services For Brain Injury (Dịch Vụ về Chấn Thương Sọ Não) − San Jose, Oakland, Santa Cruz, CA
sbicares.org
Tổ chức phi lợi nhuận phục vụ Khu Vực Vịnh San Francisco Mở Rộng với chương trình phục hồi chức năng toàn diện trong ngày cho mọi loại chấn thương não ở bất kỳ giai đoạn nào. Chương trình trải dài từ giai đoạn hậu cấp tính và ổn định về mặt y tế với các kỹ năng sống độc lập hàng ngày, điều chỉnh hành vi và kỹ năng giao lưu nhóm; đến các dịch vụ nghề nghiệp và chuẩn bị đi làm, bao gồm giới thiệu việc làm đi kèm tư vấn nghề nghiệp. Đội ngũ nhân viên bao gồm các nhà bệnh lý học về vật lý, nghề nghiệp và ngôn ngữ nói, nhà tâm lý học được cấp phép; cũng như các chuyên gia phục hồi về nghề nghiệp và việc làm. Thông tin, dịch vụ giới thiệu và nhóm hỗ trợ hàng tuần đều được cung cấp miễn phí.
Schurig Center For Brain Injury Recovery (Trung Tâm Schurig về Phục Hồi Chấn Thương Sọ Não) – Larkspur, CA
schurigcenter.org
Trung tâm điều trị hậu cấp tính phi lợi nhuận cung cấp một loạt các dịch vụ hỗ trợ và phục hồi được thiết kế đặc biệt để giúp những người sống sót sau chấn thương não và gia đình của họ sống một cách trọn vẹn, có ý nghĩa và hạnh phúc. Trung tâm này phục vụ người trưởng thành từ
18 tuổi trở lên với cuộc sống bị ảnh hưởng bởi chấn thương não, cũng như gia đình và người chăm sóc của họ.
Family Caregiver Alliance
Trung Tâm Chăm Sóc Quốc Gia
(415) 434-3388 | (800) 445-8106
Trang Web: caregiver.org
Tài nguyên: https://www.caregiver.org/vietnamese/
Email: info@caregiver.org
FCA CareNav: https://fca.cacrc.org/login
Dịch Vụ theo Tiểu Bang: https://www.caregiver.org/connecting-caregivers/services-by-state/
Family Caregiver Alliance (FCA) tìm cách cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người chăm sóc thông qua giáo dục, dịch vụ, nghiên cứu và vận động ủng hộ. Thông qua Trung Tâm Chăm Sóc Quốc Gia, FCA cung cấp thông tin về các vấn đề xã hội, chính sách công và những vấn đề về chăm sóc hiện tại, đồng thời hỗ trợ phát triển các chương trình công và tư dành cho người chăm sóc. Đối với những cư dân ở Khu Vực Vịnh San Francisco mở rộng, FCA cung cấp các dịch vụ hỗ trợ gia đình trực tiếp cho những người chăm sóc bệnh nhân Alzheimer, đột quỵ, Hội Chứng Xơ Cứng Teo Cơ Một Bên (Amyotrophic Lateral Sclerosis, ASL), chấn thương đầu, Parkinson và mắc các chứng rối loạn suy nhược khác gây tổn thương cho người trưởng thành.
Tài Liệu Đề Nghị
Tờ Thông Tin và Lời Khuyên FCA
Xem các tài nguyên liên quan. Danh sách tất cả thông tin và lời khuyên có sẵn trực tuyến tại www.caregiver.org/vietnamese.
Cẩm Nang về Chấn Thương Não
Cẩm Nang về Chấn Thương Não miễn phí và toàn diện, được soạn thảo bởi Schurig Center for Brain Injury Recovery, cũng là một nguồn tài nguyên thực tế, hữu ích để giúp định hướng quá trình phục hồi chức năng.
Cập Nhật Nghiên Cứu: Chấn Thương Sọ Não, Brainline.org: brainline.org
Chấn Thương Sọ Não, Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh: cdc.gov
Trang Thông Tin về Chấn Thương Sọ Não của Viện Nghiên Cứu Quốc Gia về Rối Loạn Thần Kinh và Đột Quỵ (National Institute of Neurological Disorders and Stroke, NINDS): ninds.nih.gov
Tờ thông tin này được soạn thảo bởi Family Caregiver Alliance và duyệt bởi Catherine Sebold, chuyên gia truyền thông của Hiệp Hội Chấn Thương Não Hoa Kỳ. Cập nhật tháng 4 năm 2020 bởi Carol Welsh, MPA, CBIS của Services For Brain Injury, San Jose, CA.
©2020 Family Caregiver Alliance. Bảo lưu mọi quyền.