Mười Phương cách thực tế để chăm sóc người sa sút trí tuệ (Ten Real-Life Strategies for Dementia Caregiving)
Là người chăm sóc, chúng ta thường hành động theo cảm tính những gì chúng ta nên làm. Không ai cho chúng ta những bài học về cách quan hệ với một người bị mất trí nhớ. Tiếc thay, đối phó với chứng mất trí nhớ là phản trực giác, ví dụ: thường thì điều phải làm hoàn toàn ngược lại với điều có vẻ như là điều đúng để làm. Dưới đây là một số cạm bẫy thông thường:
- ĐI THEO LÝ TRÍ, TÌNH LÝ, và HỢP LÝ chỉ khiến quý vị gặp phải rắc rối mà thôi. Khi ai đó hành động một cách không rõ ràng, chúng ta thường lý giải một cách cặn kẽ sự việc rồi mong đợi họ hiểu được để nghe theo. Tuy nhiên, người mắc chứng mất trí nhớ không còn có “người chỉ huy” trong não bộ của họ nữa, vì vậy họ không đáp ứng được với những lý lẽ hợp tình hợp lý nhất của chúng ta. Những câu nói mạch lạc, đơn giản về những sự kiện đang diễn ra thường là tối ưu nhất.
- NHỮNG NGƯỜI MẮC CHỨNG MẤT TRÍ NHỚ KHÔNG NHẤT THIẾT PHẢI SỐNG TRONG HIỆN THỰC. Khi bị mất trí nhớ, người ta thường quên đi những điều quan trọng, chẳng hạn như mẹ của mình đã mất. Khi chúng ta gợi nhắc họ về sự mất mát ấy, chúng ta cũng gợi nhắc cả những nỗi đau về sự mất mát trong họ. Rồi khi ai đó muốn về nhà, thì việc chúng ta cứ khăng khăng rằng họ đã ở nhà rồi chỉ dễ dẫn đến tranh cãi. Đánh lạc hướng và yêu cầu họ kể về người mà họ nhắc đến hoặc về gia đình của ai đó là một cách thức khôn khéo hơn để trấn an người mắc chứng mất trí nhớ.
- BẠN KHÔNG THỂ LÀ MỘT NGƯỜI CHĂM SÓC HOÀN HẢO. Cũng như chẳng có bậc phụ huynh nào là hoàn hảo cả, thì chẳng người chăm sóc nào là hoàn hảo cả. Quý vị cũng có quyền sở hữu mọi cảm xúc của một con người cho nên có những lúc quý vị thấy mất bình tĩnh và bực bội. Học cách bao dung cho người thân cũng như chính bản thân quý vị là một điều thiết yếu trong hành trình làm người chăm sóc.
- LIỆU PHÁP NÓI DỐI GIẢM NHẸ CĂNG THẲNG. Chúng ta thường vô cùng thành thật với mọi người. Tuy nhiên, với những người mắc chứng mất trí nhớ, thì việc thành thật có thể dẫn đến căng thẳng cho chính chúng ta và cho chính những người chúng ta chăm sóc. Liệu việc người thân của quý vị nghĩ rằng họ là tình nguyện viên tại trung tâm chăm sóc ban ngày có thành vấn đề không? Liệu nói với người thân rằng chúng ta sẽ đi ăn trưa rồi ghé qua văn phòng bác sĩ khi trên đường về để họ chịu đi khám thì có gì là sai trái không?
- THỎA HIỆP SẼ KHÔNG HIỆU QUẢ. Việc yêu cầu họ không bao giờ được làm một điều gì đó nữa hoặc nhớ phải làm gì, sẽ sớm bị lãng quên mà thôi. Đối với những người ở giai đoạn đầu, để lại các ghi chú như lời nhắc đôi khi có thể hữu ích, nhưng khi bệnh tiến triển, điều này sẽ không hiệu quả. Thay vì nói chuyện và thảo luận, thì hành động, sắp xếp lại môi trường thường là một cách tiếp cận thành công hơn.
- BÁC SĨ CŨNG CẦN ĐƯỢC BẠN HƯỚNG DẪN. Chia sẻ với bác sĩ về những điều mà quý vị quan sát được khi ở nhà là rất quan trọng. Nếu chỉ thông qua thăm khám, bác sĩ sẽ không thể biết được rằng người này đã trằn trọc cả đêm. Đôi khi các bác sĩ cũng cần điều động đến liệu pháp nói dối, ví dụ: nói với bệnh nhân rằng thuốc chống trầm cảm là dành cho trí nhớ chứ không phải là thuốc chống trầm cảm.
- BẠN KHÔNG TOÀN NĂNG, VIỆC CHẤP NHẬN GIÚP ĐỠ TRƯỚC KHI KIỆT QUỆ LÀ ĐIỀU BÌNH THƯỜNG. Khi mọi người yêu cầu được giúp đỡ, câu trả lời nên là “ĐỒNG Ý”. Lập danh sách những điều mà mọi người có thể giúp quý vị, dù chỉ là chuẩn bị một bữa ăn, giúp tỉa hoa hay ở cạnh người thân của quý vị khi quý vị làm việc vặt. Điều này sẽ củng cố những lời đề nghị giúp đỡ. Việc nhờ cậy giúp đỡ sẽ khó khăn hơn việc chấp nhận giúp đỡ khi người khác đề nghị. Vậy nên đừng chờ đợi cho đến khi quý vị “không thể chịu được” thì mới tìm trợ giúp.
- THẬT DỄ MẮC PHẢI VIỆC ĐÁNH GIÁ CAO HOẶC ĐÁNH GIÁ THẤP NHỮNG GÌ MÀ NGƯỜI THÂN CỦA BẠN CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC. Làm điều gì đó cho ai thường dễ dàng hơn là để họ tự làm. Tuy nhiên, nếu chúng ta làm điều đó cho họ, họ sẽ mất khả năng độc lập trong kỹ năng đó. Mặt khác, nếu chúng ta nhất mực để người thân tự làm và họ cảm thấy cáu kỉnh trong quá trình thực hiện, thì chúng ta chỉ càng làm cho họ bị kích động và có lẽ chẳng thúc đẩy khả năng tự làm của họ được thêm chút nào. Luôn phải ứng biến liên tục để tìm sự cân đối.
- NÓI THÔI CHỨ ĐỪNG ĐẶT CÂU HỎI. Hỏi rằng “Tối nay muốn ăn gì?” có lẽ hoàn toàn bình thường trong những hoàn cảnh khác. Nhưng giờ đây, chúng ta yêu cầu người thân đưa ra câu trả lời trong khi chưa chắc liệu họ có diễn đạt được điều họ muốn, hoặc họ còn chẳng đói, rồi thậm chí là khi họ trả lời được rằng họ muốn gì, thì họ cũng chẳng muốn ăn nữa khi thức ăn được dọn ra. Chỉ nói là “Chúng ta đi ăn thôi” sẽ động viên họ ăn và không khiến họ thấy khó xử vì chẳng biết trả lời như thế nào.
- VIỆC ĐẶT CÂU HỎI CHẨN ĐOÁN KHI AI ĐÓ CÓ NHỮNG PHÚT MINH MẪN LÀ ĐIỀU HOÀN TOÀN BÌNH THƯỜNG. Một trong những điều khó nhất là nhớ rằng chúng ta đang đối phó với một căn bệnh chứ không phải là người mắc bệnh. Những người mắc chứng mất trí nhớ có đôi lúc tỉnh táo vô cùng và có thể trả lời một cách chính xác. Chúng ta thường cảm thấy như thể họ đã giả vờ hoặc chúng ta đã phóng đại vấn đề khi những khoảnh khắc này xảy ra. Chúng ta không sai lầm—chỉ là đôi khi họ có những khoảnh khắc xuất thần mà thôi.
Tờ thông tin này được soạn thảo bởi Hệ Thống Liên Bang Dành Cho Người Chăm Sóc Thân Nhân (Family Caregiver Alliance) và được viết bởi cô Donna Schempp, Nhân Viên Xã Hội Lâm Sàng Có Cấp Phép (LCSW). ©2011 Family Caregiver Alliance. Đã đăng ký bản quyền.