Nhà Ở Một Nơi Xa Gia Đình: Chuyển Chỗ Ở Cho Cha Mẹ Của Bạn (Home Away from Home: Relocating Your Parents)
Khi chứng kiến cảnh cha mẹ bạn đang già đi, có lẽ bạn cũng chật vật trong những tình huống như thế này:
- Bạn đến thăm mẹ vào dịp nghỉ lễ, và phát hiện rằng tủ lạnh của bà ấy gần như trống rỗng, các hóa đơn chưa được thanh toán và nhà của bà ấy vô cùng bừa bộn.
- Một người hàng xóm đã gọi cho bạn để báo rằng cha của bạn đang đi lang thang trên phố, không thể tìm thấy ngôi nhà mà ông ấy đã ở trong suốt 30 năm.
- Mẹ của bạn quên uống thuốc chữa tiểu đường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà ấy.
- Người cha vốn rất tự lập của bạn ngã và bị gãy xương hông, giờ ông ấy không thể leo cầu thang trong chính ngôi nhà của mình.
Nếu cha mẹ của bạn có dấu hiệu suy giảm khả năng nhận thức do bệnh Alzheimer hoặc do bệnh sa sút trí tuệ khác, hay một tình trạng bệnh có biến chuyển cần phải được chăm sóc nhiều hơn, thì rõ ràng bạn nên quan tâm đến phúc lợi của cha mẹ. Có lẽ đã đến lúc bạn cân nhắc việc đưa cha mẹ đến một môi trường an toàn hơn.
Nhưng cha mẹ của bạn nên sống ở đâu? Phương án đầu tiên bạn thường nghĩ đến là chuyển Cha hoặc Mẹ đến nhà của bạn—nhưng sự thay đổi lớn này cần được xem xét kỹ lưỡng, và còn có nhiều phương án khác mà bạn có thể tìm hiểu. Tờ Thông Tin này đưa ra lời khuyên và tóm tắt các vấn đề cần xem xét trước khi bạn đưa ra những quyết định hệ trọng và đầy thử thách về việc chuyển chỗ ở cho cha mẹ của bạn.
Bước Thứ Nhất: Trò Chuyện Cởi Mở
Trò chuyện cởi mở và chân thành với cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình là bước khởi đầu quan trọng khi bạn đang phân vân liệu chuyển cha mẹ đến một chỗ ở mới có phải là một việc làm đúng. Các cuộc họp gia đình với cha mẹ, vợ/chồng, con cái, anh chị em của bạn và những người có vai trò quan trọng khác sẽ là dịp để mọi người cùng chia sẻ quan điểm và giúp bạn quyết định nên làm gì tiếp theo. Sự giao tiếp tích cực giữa tất cả các thành viên trong gia đình là nền tảng cho một hệ thống hỗ trợ vững chắc dành cho cha mẹ già và tất cả các thành viên trong gia đình cùng tham gia.
Dù các cuộc thảo luận kiểu này có thể sẽ rất khó khăn và gây nhiều xúc cảm giữa các thành viên, tuy nhiên có nhiều vấn đề cần được bàn bạc kỹ lưỡng. Cả gia đình bao gồm cha mẹ của bạn cần cùng nhau bàn bạc về:
- những lựa chọn về chỗ ở
- công việc chăm sóc cần thiết
- tài chính
- vai trò của mỗi người trong quá trình chuyển chỗ ở
- những thay đổi trong lối sống
- vị trí của ngôi nhà mới
Những kỳ vọng cần được nêu ra và làm rõ với những người liên quan. Những điều sau đây có thể giúp định hướng cuộc thảo luận của bạn.
Mức Độ Chăm Sóc Cần Thiết
Khi cha mẹ bạn già đi, nhu cầu được chăm sóc của họ sẽ thay đổi, và trong hầu hết các trường hợp, những nhu cầu này trở nên khó đáp ứng hơn. Xây dựng một phương án chăm sóc là một việc thiết yếu, và điều này đòi hỏi tính thiết thực và kế hoạch rõ ràng. Việc tham khảo ý kiến của Quản Lý Chăm Sóc Lão Khoa hoặc nhân viên công tác xã hội có thể sẽ hữu ích khi bạn xem xét các lựa chọn và những việc bạn sẽ có thể hoặc không thể làm cho cha mẹ của bạn.
- Đánh giá xem cha mẹ của bạn có cần được giám sát hay hỗ trợ thường xuyên trong ngày hay không và việc này sẽ được thực hiện như thế nào.
- Xác định những hoạt động thường ngày (ví dụ như ăn uống, tắm rửa, đi vệ sinh) mà cha mẹ bạn có thể tự thực hiện được.
- Xác định mức độ thoải mái của bạn khi thực hiện các hoạt động chăm sóc cá nhân như tắm rửa hay thay tã quần cho người lớn.
- Đánh giá sức khỏe và khả năng sức khoẻ của bản thân bạn để giúp quyết định liệu bạn có đủ khả năng để chăm sóc cha mẹ hay không.
- Tìm hiểu tính sẵn có của các dịch vụ như chăm sóc tại nhà, dịch vụ chăm sóc người lớn ban ngày, giao đồ ăn, chương trình thăm hỏi bầu bạn.
- Nghiên cứu các kế hoạch và phương án dài hạn nếu không thể sống với cha mẹ hoặc đó không phải lựa chọn của bạn.
- Xác định loại hình chăm sóc y tế mà cha mẹ của bạn cần, và mức độ sẵn sàng của các bác sĩ và dịch vụ phù hợp—bao gồm dịch vụ vận tải—tại cộng đồng nơi bạn sinh sống.
- Qua thời gian, dự kiến những thay đổi trong bệnh trạng và tình trạng nhận thức của cha mẹ của bạn.
Sự Gắn Kết Của Gia Đình
Gia đình đã cùng bạn trải qua nhiều thăng trầm, và những cảm xúc tích cực lẫn tiêu cực của bạn về cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình sẽ góp một phần không nhỏ trong quyết định chuyển chỗ ở hay sống cùng cha mẹ của bạn. Thành thực với bản thân và đừng để những bất hòa chưa được giải quyết hoặc cảm giác tội lỗi hay bổn phận làm con dồn ép bạn quá sức.
- Có cái nhìn thực tiễn về ý nghĩa của những thay đổi lớn trong cuộc sống đối với chính bạn, cha mẹ, anh chị em, vợ/chồng và con cái của bạn khi chuyển chỗ ở cho cha mẹ.
- Cố gắng chấp nhận những bất hòa trong quá khứ giữa bạn và cha mẹ của bạn.
- Khi quyết định chuyển chỗ ở hoặc để cha mẹ đến sống với bạn, hãy cân nhắc ý kiến của vợ/chồng, con cái, anh chị em và các thành viên khác trong gia đình.
- Thống nhất với các anh chị em của bạn về mức độ và cách trợ giúp bạn mong đợi từ họ.
- Nhận thức được rằng, dù có thể bị hạn chế về nhận thức và năng lực thể chất, cha mẹ của bạn là người trưởng thành, có quyền tự chủ và có lòng tự trọng, và nên là trọng tâm của mọi quyết định.
Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia Đình cung cấp các Tờ Thông Tin hữu ích, Tổ Chức Họp Gia Đình và Chăm Sóc Cùng Anh Chị Em Của Bạn, giúp đưa ra những thông tin cụ thể hơn (xem Nguồn Lực được liệt kê ở cuối Tờ Thông Tin này).
Các Lựa Chọn Về Chỗ Ở và Sắp Xếp Cuộc Sống
Chuyển cha mẹ đến nhà riêng của bạn là một lựa chọn, nhưng bạn và gia đình cũng nên dành thời gian để xem xét những cách sắp xếp cuộc sống khác. Loại hình chỗ ở bạn lựa chọn sẽ phụ thuộc phần lớn vào ba yếu tố quan trọng: nhu cầu chăm sóc của cha mẹ bạn, tài chính, những lựa chọn dịch vụ và hỗ trợ có tại cộng đồng nơi cha mẹ hoặc bạn sinh sống.
Khi lựa chọn chỗ ở cho cha mẹ, các thành viên trong gia đình cần bàn bạc, thấu hiểu và chấp nhận những lợi ích và trở ngại khi sống gần với người thân. Thông thường, vấn đề lựa chọn chỗ ở có thể gây ra tranh cãi giữa những thành viên trong gia đình vì những người sống gần cha mẹ thường đảm đương hầu hết trọng trách trong việc chăm sóc cha mẹ, và có cảm nhận rằng những người sống ở xa thường không trợ giúp đủ nhiều. Mặt khác, các thành viên sống xa cha mẹ có thể cảm thấy mặc cảm, lo lắng khi họ không có cơ hội chăm sóc cha mẹ nhiều hơn. Một cuộc đối thoại cởi mở và sự thống nhất về việc chia sẻ công việc chăm sóc giữa những người ở gần và người ở xa là vô cùng quan trọng.
Nhiều cộng đồng dân cư dành cho người cao tuổi thuộc sở hữu hoặc được điều hành bởi các tổ chức hoạt động dựa trên đức tin hoặc các tổ chức khác mà cha mẹ của bạn có thể hòa nhập hoặc quan tâm. Hỏi cha mẹ bạn xem họ có quen biết người bạn nào đã chuyển đến các cộng đồng mới này không, và tìm hiểu liệu cha mẹ của bạn có muốn sống trong cùng cộng đồng đó không. Trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, cùng cha mẹ đến thăm nhiều cộng đồng, xin phép dùng bữa trưa và tham quan cơ sở vật chất tại đó, xem lịch hoạt động và thực đơn, cũng như chú ý đặc biệt đến cách nhân viên tương tác với cư dân. Hỏi các nhân viên tại cộng đồng cách họ đáp ứng các sở thích, thú vui và nhu cầu di chuyển của cha mẹ bạn. Nếu cộng đồng bạn đang xem xét là một loại cơ sở được cấp phép hành nghề, yêu cầu xem lịch sử tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu, cùng với số lượng và hình thức khiếu nại có thể áp dụng đối với cơ sở đó.
Danh sách dưới đây liệt kê một số loại hình sắp xếp cuộc sống có thể phù hợp với cha mẹ của bạn. Mỗi cộng đồng sẽ có những lựa chọn khác nhau. Hãy nhớ rằng, Chương trình Medicare thường không đài thọ những chi phí này.
Những lựa chọn khác . . .
- Sống Tự Lập: Nếu có thể, hầu hết mọi người đều mong muốn được ở tại chính ngôi nhà của mình. Đôi khi những nguồn lực tại cộng đồng chẳng hạn như dịch vụ giao đồ ăn, “thăm hỏi bầu bạn,” người giúp việc, phương tiện giao thông hoặc các dịch vụ trợ giúp tại nhà khác có đủ khả năng hỗ trợ để cha mẹ của bạn có thể ở tại nhà, trong môi trường thân thuộc với họ. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng cha mẹ bạn có thể sẽ khó chấp nhận hình thức trợ giúp này nếu họ cảm thấy rằng bạn đang can thiệp và sự trợ giúp là không cần thiết. Những vấn đề này phải được đề cập trong cuộc họp gia đình. Một căn hộ nhỏ, nhà chung cư hay nhà một tầng trong cộng đồng của họ hoặc ở gần bạn có thể là một lựa chọn tốt, với sự trợ giúp và thăm hỏi từ gia đình. Chia sẻ căn hộ hoặc ngôi nhà với bạn bè hoặc họ hàng cũng là một phương án nên làm. Ở một số thành phố có những cơ quan giúp sắp xếp nhà ở chung. Một lựa chọn mới hơn mang tên Cộng Đồng Hưu Trí Tự Phát (Naturally Occurring Retirement Communities, NORCs) hoặc Các Ngôi Làng, cung cấp cho các thành viên—thường là một nhóm những người cao tuổi sống gần nhau—các dịch vụ đã được kiểm định như sửa chữa nhà ở, phương tiện đi lại và các hoạt động xã hội/giáo dục. Sẽ mất một khoản phí để tham gia và tổ chức được điều hành bởi tình nguyện viên và/hoặc nhân viên được trả lương. Đây là một xu hướng đang phát triển trên khắp cả nước, và đối với một số người, sự trợ giúp này để họ có thể ở lại tại ngôi nhà của mình.
- Cộng Đồng Hưu Trí: Các cộng đồng hưu trí độc lập thường cung cấp những căn hộ đơn trong một dãy nhiều căn, với bữa ăn tập thể, phương tiện đi lại, dịch vụ giúp việc và nhiều hoạt động xã hội và bồi dưỡng có tổ chức. Cư dân có thể tự do đến và đi mà vẫn bảo đảm được sự riêng tư, nhưng vẫn có được những lợi ích của một nhóm lớn hơn. Các tiện nghi và giá cả thay đổi tùy từng nơi. Một vài nơi cung cấp quyền tiếp cận với y tá hoặc chuyên viên điều dưỡng. Khi các nhu cầu chăm sóc tăng lên, các dịch vụ bổ sung (ví dụ như trợ giúp thay quần áo) thường tốn thêm một khoản phí. Một vài cộng đồng yêu cầu cư dân mới phải có khả năng đi lại (không ngồi xe lăn) khi gia nhập. Một vài nơi cung cấp nhà ở trợ cấp cho những người có thu nhập thấp, với giới hạn nghiêm ngặt.
- Cơ Sở Chăm Sóc Nội Trú (Residential Care Facility, RCF): Các cơ sở này là các nhà tập thể nhỏ (đôi khi được gọi là tập thể và nhà chăm sóc hoặc nhà nuôi dưỡng dành cho người lớn) cung cấp dịch vụ giám sát, bữa ăn và chăm sóc cho những người không thể ở một mình nhưng không yêu cầu sự chăm sóc điều dưỡng chuyên môn. Các cơ sở chăm sóc nội trú hỗ trợ trong việc tắm rửa, chải chuốt, ăn uống, sử dụng nhà vệ sinh, và đi lại, cũng như cung cấp các hoạt động tập thể và giải trí khác. Có phòng riêng và phòng chung.
- Cơ Sở Sinh Sống Có Hỗ Trợ (Assisted Living Facility, ALF): Những người có thể sống khá độc lập nhưng cần được giám sát và hỗ trợ hàng ngày với việc dọn dẹp nhà cửa, quản lý thuốc men và chăm sóc cá nhân sẽ muốn xem xét chuyển đến một cơ sở sinh sống có hỗ trợ. Các cơ sở sinh sống có hỗ trợ cung cấp phòng hoặc nơi ở dạng căn hộ và thường là cả các hoạt động giao lưu. Các bữa ăn được phục vụ trong phòng ăn chung. Nhân viên luôn túc trực để hỗ trợ các nhu cầu chăm sóc như tắm rửa, chải chuốt, ăn uống hoặc sử dụng nhà vệ sinh, và việc chăm sóc được sắp xếp theo nhu cầu của mỗi cá nhân. Đội ngũ nhân viên y tế có thể có mặt tại chỗ hoặc luôn túc trực. Khoản phí hàng tháng cho việc sinh sống có hỗ trợ được xác định bởi mức độ chăm sóc mà một người cần và có sự khác nhau trên khắp nước Mỹ. Một vài cơ sở sinh sống có hỗ trợ dành riêng cho—hoặc bao gồm một khu tách biệt cho—những người mắc bệnh Alzheimer hoặc các chứng suy giảm trí nhớ khác. Các đơn vị “chăm sóc người sa sút trí tuệ” hay “chăm sóc người suy giảm trí nhớ” này cung cấp môi trường đặc biệt được bảo vệ nghiêm ngặt, cũng như các hoạt động giao lưu và các hoạt động khác được thiết kế phù hợp với khả năng của các cư dân.
- Cơ Sở Chăm Sóc Trung Cấp (Intermediate Care Facility, ICF): Loại hình cơ sở này cung cấp dịch vụ chăm sóc suốt ngày đêm dành cho những người cần giúp đỡ trong việc tắm rửa, chải chuốt, đi vệ sinh và đi lại. Những người sống trong các cơ sở này không thể sống tự lập và yêu cầu sự chăm sóc điều dưỡng, dù chăm sóc điều dưỡng không được cung cấp 24 giờ một ngày. Các cư dân tại đây thường đòi hỏi mức độ chăm sóc thấp hơn mức độ chăm sóc tại các cơ sở điều dưỡng chuyên môn.
- Cơ Sở Điều Dưỡng Chuyên Môn (Skilled Nursing Facility, SNF): Các cơ sở này thường được gọi là nhà điều dưỡng, nơi cung cấp dịch vụ điều dưỡng 24 giờ một ngày và được thiết kế để cung cấp mức độ chăm sóc cá nhân và y tế cao, chẳng hạn như tiêm thuốc, theo dõi huyết áp, quản lý máy thở và nuôi ăn qua đường tĩnh mạch cho những người không thể hoạt động độc lập. Những người sống trong các cơ sở điều dưỡng chuyên môn thường cần trợ giúp trong phần lớn các nhu cầu chăm sóc cá nhân của bản thân; rất khó để đáp ứng mức độ chăm sóc này tại nhà. Medicaid (Medi-Cal tại California) có thể giúp chi trả các chi phí nếu cư dân đáp ứng các yêu cầu cụ thể về tài chính và y tế. Chương trình Medicare có thể thanh toán cho thời gian lưu trú có thời hạn sau khi xuất viện, theo chỉ định của bác sĩ.
- Eden (hay Greenhouse) Alternative là một chương trình tại một số cơ sở điều dưỡng nhất định trên khắp đất nước với mục đích tạo ra một môi trường tập trung nhiều hơn tới người cao tuổi và ít cơ cấu tổ chức hơn. Những cơ sở này được thiết lập để khuyến khích sự độc lập và tương tác nhiều nhất có thể cho các cư dân và đem lại cảm giác thân thuộc như ở nhà hơn. Các cư dân cũng được khuyến khích nên tiếp xúc với thực vật, động vật và trẻ em.
- Chương Trình Chăm Sóc Toàn Diện Cho Người Cao Tuổi (Program for All Inclusive Care, PACE) được xây dựng dành cho những người trên 55 tuổi được tiểu bang nơi họ cư trú chứng nhận là đủ điều kiện vào nhà dưỡng lão, nhưng vẫn có thể ở tại nhà khi có các dịch vụ y tế và hỗ trợ bổ trợ. Lựa chọn chăm sóc đang phát triển này đôi khi được gọi với cái tên “nhà dưỡng lão không tường bao” và đã có mặt tại nhiều nơi, nhưng không phải tất cả, khu vực trên khắp cả nước. Phần lớn những người tham gia đều hội đủ điều kiện của chương trình Medicaid.
- Cộng Đồng Hưu Trí Chăm Sóc Liên Tục (Continuing Care Retirement Communities, CCRCs) (đôi khi được gọi là “Chăm Sóc Suốt Đời”) cung cấp các cơ sở điều dưỡng độc lập, có hỗ trợ và chuyên môn tại cùng một địa điểm. Nếu sức khỏe của một người suy giảm, việc gây gián đoạn và chuyển đến một cộng đồng mới là không cần thiết. Những cộng đồng này thường khá đông và yêu cầu một khoản phí gia nhập tương đối cao.
- Cộng Đồng Cựu Chiến Binh có thể có tại tiểu bang bạn sinh sống, và cung cấp nhiều mức độ chăm sóc. Từ việc sống độc lập với các dịch vụ y tế và xã hội hỗ trợ, đến các cơ sở điều dưỡng chuyên môn, các cộng đồng này cho phép một cựu chiến binh (hoặc vợ/chồng của họ) sống trong cùng một cộng đồng.
Dù bạn lựa chọn loại hình cơ sở nào, hãy nhớ đến tham quan từng nơi. Đừng ngần ngại đặt ra nhiều câu hỏi. Một chuyến tham quan sơ bộ sẽ cho thấy rằng liệu đây có phải là một cơ sở tốt ,sạch sẽ, dễ chịu, với đội ngũ nhân viên tương tác chăm chỉ nhưng vẫn nhẹ nhàng với các cư dân, và liệu cư dân có hài lòng với “ngôi nhà” của họ đang cư ngụ hay không.
Khi Cha Mẹ Chuyển Đến Sống Cùng Bạn
Thay Đổi Vai Trò Trong Gia Đình. Nếu bạn và cha mẹ đã quyết định rằng nơi tốt nhất dành cho cha mẹ là ở nhà của bạn, thì hãy hiểu rằng việc sống với cha mẹ nhiều khả năng sẽ dẫn đến thay đổi về vai trò trong gia đình. Cha mẹ, người từng nắm quyền trong gia đình khi trước, có thể sẽ trở nên phụ thuộc hơn—bạn có thể trở thành người giám hộ đưa ra chỉ dẫn và điều khiển nhiều khía cạnh trong cuộc sống của cha mẹ, đồng thời cố gắng duy trì quyền tự chủ của cha mẹ nhiều nhất có thể. Bạn có thể sẽ có ít thời gian hơn cho vợ/chồng hoặc cho bản thân. Bạn có thể cần con cái giúp đỡ đần nhiều trách nhiệm hơn trong gia đình bao gồm việc chăm sóc ông bà. Mọi người có thể sẽ khó thích ứng với những thay đổi trong vai trò mới này.
- Xác định mức độ thoải mái của bạn với việc trở thành người đưa ra quyết định và nắm quyền.
- Chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với sự phản kháng từ cha mẹ bạn nếu họ cảm thấy họ không còn có thể đặt ra các quy tắc, kiểm soát tình hình của mình hay lo sợ mất đi sự tự chủ, nhưng hãy đảm bảo rằng cha mẹ bạn được tham gia vào quá trình đưa ra quyết định và quan điểm, mong muốn của họ được lắng nghe.
- Khi có thể, cho phép họ thương lượng bàn thảo trong các hoạt động đưa ra quyết định để có nhiều khả năng tạo ra một tình thế cả hai bên cùng có lợi.
- Xem xét những cách mà cha mẹ bạn có thể đóng góp cho gia đình, ví dụ như trông trẻ, làm những công việc nhà nhẹ nhàng hay đóng góp tài chính.
- Nghĩ xem liệu vợ/chồng và con cái bạn có sẵn sàng hỗ trợ trong việc chăm sóc hay không, và mức độ thoải mái của họ khi có ông bà sống chung sẽ như thế nào—đặc biệt là nếu ông bà mắc chứng sa sút trí tuệ.
- Nghĩ về những cách để vừa đáp ứng những mối quan tâm, thói quen và sở thích ăn uống truyền thống của cha mẹ vừa không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn và gia đình bạn một cách không cần thiết.
- Thống nhất trước về việc thu xếp tài chính. Với các nguồn lực sẵn có, liệu cha mẹ bạn có thể đóng góp tiền cho thực phẩm và tiện ích không?
- Nếu cha mẹ bạn cảm thấy thoải mái khi ở bên anh chị em của bạn hoặc thành viên gia đình nào khác, bạn và họ có thể thống nhất trước rằng họ sẽ tới ở cùng cha mẹ bạn, hoặc tạm thời cho cha mẹ bạn ở lại nhà họ để bạn có thể tạm nghỉ công việc chăm sóc hoặc đi nghỉ mát được không?
Thay Đổi Lối Sống. Bạn và cha mẹ có lẽ sẽ có lối sống rất khác nhau. Giờ giấc ngủ, cách ăn uống, sở thích, lịch trình giao lưu, mối quan tâm, và những hoạt động hàng ngày có thể cần được điều chỉnh để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ.
- Chia sẻ và lập kế hoạch để điều tiết giờ ngủ buổi tối, ngủ trưa và thói quen ngủ của tất cả những thành viên trong nhà.
- Thảo luận về những loại thực phẩm mọi người sẽ ăn, giờ giấc nấu ăn, và liệu có cần các chế độ ăn đặc biệt không, cũng như cách điều tiết các chế độ ăn đó.
- Đánh giá xem lối sống hút thuốc/không hút thuốc hay uống rượu/không uống rượu sẽ phù hợp hơn.
- Cân nhắc cách bạn hỗ trợ cha mẹ mình tiếp tục tham gia vào các hoạt động kết nối xã hội như đi thăm bạn bè, đi lễ/ viếng chùa và cách quản lý việc di chuyển tới những nơi đó và các hoạt động khác.
- Khuyến khích cha mẹ bạn duy trì những sở thích thú vị và an toàn.
- Cân nhắc liệu cha mẹ bạn sẽ hoàn toàn hòa nhập với những hoạt động của gia đình bạn không hay sẽ giữ nguyên đời sống xã hội độc lập.
- Cân nhắc tới mức độ tiếng ồn trong nhà và kiểu hoạt động chung sẽ ảnh hưởng tới cha mẹ bạn như thế nào.
Hao Tổn Thời Gian Của Bạn. Công việc chăm sóc đòi hỏi một lượng thời gian đáng kể, và rất có thể sẽ làm ảnh hưởng tới công việc, thời gian cho gia đình, thời gian cá nhân và cả giấc ngủ của bạn.
- Xác định lượng thời gian bạn có thể dành ra cho việc chăm sóc theo nhu cầu của cha mẹ bạn. Khi nào bạn có thể gọi điện để hẹn lịch hoặc sắp xếp các dịch vụ cần thiết? Khi nào bạn có thể đưa cha mẹ đi khám theo lịch hẹn?
- Đánh giá xem bạn có cần phải điều chỉnh lịch trình làm việc hiện tại của mình hay không, và liệu chủ sử dụng lao động của bạn có sẵn sàng đáp ứng những sự điều chỉnh đó hay không.
- Nếu bạn định giảm số giờ làm việc, hãy xác định những ảnh hưởng của việc đó tới tình hình tài chính, sự thăng tiến trong sự nghiệp, bảo hiểm y tế và An Sinh Xã Hội cũng như phúc lợi hưu trí của bạn.
- Cân nhắc xem bạn có còn thời gian dành cho vợ/chồng, con cái và bạn bè hay không.
- Nếu cha mẹ bạn cần được giám sát mọi lúc, thì ai sẽ là người giám sát họ khi bạn đang làm việc hoặc tham gia các hoạt động với con của bạn?
- Cân nhắc tới việc giảm thời gian riêng tư bạn dành cho những mối quan hệ bạn bè, sở thích hay thể dục thể thao của mình và khoảng thời gian riêng cho bản thân mà bạn cần hàng ngày.
- Chấp nhận rằng sẽ có những lúc bạn cảm thấy cạn kiệt năng lượng và bạn sẽ cần tìm cách nghỉ ngơi.
- Tìm hiểu cách sắp xếp thời gian tạm nghỉ rời xa trách nhiệm chăm sóc (“chăm sóc tạm thế”) và tranh thủ sự giúp đỡ của các thành viên trong gia đình, bạn bè, thuê phụ tá hoặc các tổ chức chăm sóc tại nhà.
Ngôi Nhà Của Bạn. Đời sống vật chất phải được sắp xếp đầy đủ nếu cha mẹ bạn chuyển vào sống chung. Phải có đủ không gian và bài trí phù hợp cho người lớn tuổi có thể gặp vấn đề về di chuyển hoặc thị lực. Có thể cần vài sự điều chỉnh đặc biệt để có một ngôi nhà an toàn. Phần lớn những thay đổi này sẽ không quá tốn kém, nhưng lại cần dành thời gian và lên kế hoạch để thực hiện. Một số gia đình sẽ xem xét việc mở rộng ngôi nhà của họ, hoặc sử dụng “căn hộ phụ” (hoặc “đơn vị cư ngụ phụ trợ”)—một đơn vị khối kết cấu được trang bị đầy đủ có thể lắp đặt tạm thời hoặc lâu dài trong sân hoặc bất kỳ vị trí nào khác trên một mảnh đất. Các cơ quan chăm sóc sức khỏe gia đình và/hoặc các cơ quan khu vực phụ trách người cao tuổi có thể có đủ các nguồn lực để thực hiện đánh giá nhà cho việc sửa sang, và các công nghệ vận chuyển/thang máy an toàn được khuyến nghị để hỗ trợ cha mẹ bạn tốt hơn.
- Đánh giá số lượng khoảng không gian sẵn có và xem liệu có đủ sự riêng tư hay không.
- Tính đến nơi cha mẹ bạn sẽ ngủ. Trẻ nhỏ sẽ cảm thấy thế nào nếu chúng phải nhường phòng cho ông bà?
- Nếu có thể, hãy sắp xếp cho cha mẹ ở tầng trệt để tránh phải di chuyển trên cầu thang.
- Cân nhắc những thay đổi lớn có thể cần thực hiện để phù hợp với tình trạng khuyết tật hoặc vấn đề về di chuyển, chẳng hạn như lắp đặt phòng tắm và vòi hoa sen cho người ngồi xe lăn, tay nắm cửa ở các vị trí khác nhau, công tắc đèn ở vị trí thấp hơn.
- Xác định những thiết bị trợ giúp nào có thể sẽ cần thiết như thanh vịn trong phòng tắm, bệ ngồi bồn cầu cao, tay vịn và lối đi dốc.
- Nếu cha mẹ bạn hay đi lang thang và có thể bị lạc, hãy cân nhắc lắp ổ khóa đặc biệt, chuông cửa và các thiết bị khác để cửa ra vào và cửa sổ thật vững chắc.
- Nhìn quanh nhà để tìm ra những mối nguy hiểm như dây điện treo lòng thòng, các chất độc hại, bề mặt trơn trượt, ghế bấp bênh, thảm nhỏ. Cân nhắc việc lắp đặt thiết bị ngắt mặt bếp tự động.
- Lắp đặt đèn sáng và chống lóa trên tất cả các lối đi, dán dải keo dính giá rẻ trên các bậc thang và những khu vực có khả năng bị trơn trượt khác như phòng tắm và chỗ tắm vòi sen.
- Điều chỉnh điều khiển nhiệt độ trong nhà sao cho không quá nóng hoặc quá lạnh. Hãy nhớ rằng người lớn tuổi thường thích môi trường xung quanh họ ấm hơn và điều này có thể ảnh hưởng đến sự thoải mái cũng như hóa đơn điện nước của bạn.
- Thảo luận những cách kết hợp đồ nội thất của cha mẹ trong nhà bạn.
- Xem xét làm sao để thú cưng đang nuôi hoặc thú cưng mới hòa nhập trong bối cảnh nhà mới.
- Tính tới việc thiết lập một hệ thống hoặc báo động để bạn được thông báo khi cha mẹ bạn cần trợ giúp.
Thu Xếp Tài Chính
Thông tin tài chính cá nhân có thể không hay được chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình bạn. Tuy nhiên, nếu bạn đang chăm sóc cha mẹ, bạn có thể cần tham gia nhiều hơn vào kế hoạch tài chính cá nhân của họ, bao gồm việc thanh toán hóa đơn, giám sát sổ sách và quản lý quỹ hưu trí hoặc các khoản đầu tư. Điều này có thể sẽ tạo ra khúc mắc với cha mẹ hoặc anh chị em của bạn, bởi họ có thể sẽ đặt câu hỏi về việc bạn động tới tiền và cách bạn xử lý tiền của cha mẹ mình.
- Thống nhất về số tiền, nếu có, mà cha mẹ bạn sẽ bỏ ra để chi trả phí sinh hoạt của họ. Họ có trả tiền thuê nhà, đồ ăn và các chi phí khác hay không?
- Anh chị em của bạn có thể sẽ bất bình về bất cứ khoản tiền nào mà bạn có thể sẽ nhận được. Thảo luận cởi mở với anh chị em của bạn về các kế hoạch tài chính để họ được cập nhật về các khoản chi tiêu mới hoặc được thông báo về sổ sách.
- Thống nhất với cha mẹ và anh chị em của bạn về các khoản chi phí xuất túi.
- Cân nhắc chuẩn bị một tài liệu pháp lý chính thức gọi là Thỏa Thuận Chăm Sóc Cá Nhân ghi ra tất cả các khoản cha mẹ bạn trả cho bạn để trả chi phí chỗ ở hoặc việc chăm sóc của bạn.
- Để tiết kiệm thời gian, hãy nghiên cứu lựa chọn thanh toán hóa đơn định kỳ tự động.
- Tìm hiểu các dịch vụ miễn phí hoặc chi phí thấp để hỗ trợ các thủ tục giấy tờ Medicare cho người lớn tuổi.
- Đảm bảo bạn luôn chuẩn bị sẵn các tài liệu pháp lý như Giấy Ủy Quyền Dài Hạn, Người Nhận Tiền Đại Diện, Các Chỉ Thị Nâng Cao, xem phần Nguồn Lực để đọc Tờ Thông Tin Kế Hoạch Pháp Lý Cho Người Mất Khả Năng Làm Việc.
Quản Lý Việc Di Chuyển
Nhiều khả năng cha mẹ bạn đã sinh sống trong ngôi nhà hiện tại của họ trong nhiều năm và đã có sự gắn bó chặt chẽ với cộng đồng, gia đình, bạn bè, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đời sống xã hội và thói quen hàng ngày ở đó. Di chuyển đồ đạc và rời khỏi nhà mình đang ở là một việc rất khó khăn cho bất kỳ ai, nhưng đối với người lớn tuổi đã có những kỷ niệm và sở hữu nơi đó trong hàng chục năm thì việc chuyển nhà còn có thể là một thách thức lớn về mặt cảm xúc. Việc phải rời xa khung cảnh quen thuộc và thoải mái này sẽ rất khó khăn và gây ra nỗi buồn sâu đậm. Hơn nữa, việc rời khỏi nhà mình đã cư ngụ thể hiện sự suy giảm tính độc lập và báo hiệu một giai đoạn mới trong cuộc sống. Thông thường, ý nghĩ về việc phải gói ghém và phân loại quá trình lịch sử, ký ức và tài sản trong vài thập kỷ là đủ để khiến ta trì hoãn ngay từ bước xem xét quyết định chuyển nhà khó khăn này. Nhưng sẽ có một số nguồn lực trợ giúp cho việc này.
Ở một số cộng đồng, có những công ty chuyên về tổ chức giúp người cao tuổi chuyển tới một nơi ở mới và sắp xếp bán lại hoặc cho đi những đồ đạc và tài sản không cần thiết, với một khoản phí. Họ cũng sẽ giúp đóng gói và dỡ đồ đạc. Dù sử dụng dịch vụ nào, thì ở hầu hết các gia đình, những người con trưởng thành đều giữ vai trò chủ chốt với nhiệm vụ này. Giao tiếp cởi mở sẽ giúp việc vượt qua những thử thách này dễ dàng hơn.
Trong khi giúp cha mẹ bạn đóng gói đồ đạc, hãy chia sẻ với cha mẹ về những cảm xúc trăn trở, công nhận những mất mát mà họ đang đối mặt, và trấn an họ rằng tất cả mọi người đều đang đưa ra quyết định tốt nhất có thể. Cho họ thời gian và cơ hội để hồi tưởng. Trấn an với cha mẹ rằng bạn vẫn sẽ có mặt trong cuộc sống của họ, bất kể cách sắp xếp cuộc sống của họ là gì—ngay cả trong một cộng đồng mới, bạn vẫn sẽ muốn đảm bảo chất lượng chăm sóc bằng các dịch vụ đáp ứng được nhu cầu của cha mẹ bạn.
Nếu cha mẹ bạn là chủ sở hữu căn nhà, hãy cân nhắc việc cho người thuê lại. Tiền thuê nhà có thể giúp trang trải các chi phí phụ trội mà gia đình bạn phải trả, hoặc giúp chi trả cho việc chăm sóc được cung cấp trong các bối cảnh cộng đồng khác, cũng như đem đến một vài khoản khấu trừ thuế nhất định. Bên cạnh đó, việc cho thuê thay vì bán căn nhà đó cũng sẽ tạo ra cho cha mẹ bạn một khoảng thời gian chuyển tiếp dài hơn để thích nghi dần với sự sắp xếp cuộc sống mới. Việc bán đi một ngôi nhà đã gắn bó lâu năm có vẻ như quá dứt khoát, và có thể gây thêm phần lo buồn trong quá trình chuyển đổi.
Cha mẹ bạn sẽ cần thời gian để thích nghi với môi trường sống mới và làm quen với vai trò của họ trong gia đình bạn. Sự kiên nhẫn và hỗ trợ của bạn sẽ giúp quá trình chuyển đổi này diễn ra suôn sẻ hơn. Tìm đến cố vấn viên chuyên môn cũng có thể sẽ hữu ích. Để xem thêm lời khuyên cho việc đưa cha mẹ bạn tới một nơi ở mới, hãy xem Tờ Thông Tin của FCA về Thu Hẹp Căn Nhà Của Bạn: Danh Sách Cần Làm Cho Người Chăm Sóc.
Tưởng Thưởng
Bất kể các thách thức, nhiều người con trưởng thành nhận thấy rằng việc hỗ trợ và chăm sóc cha mẹ là một trong những trải nghiệm đáng làm nhất mà họ từng có. Cha mẹ có thể đóng góp bằng cách chia sẻ về quá khứ của họ và trở thành một phần không thể thiếu trong gia đình bạn. Cháu chắt cũng sẽ có cơ hội hiếm có để tìm hiểu và tiếp thu lịch sử gia đình. Công việc chăm sóc mang đến cơ hội đặc biệt để bạn báo đáp ơn nghiã sinh thành mà cha mẹ đã dành cho mình.
Tài Liệu Khuyến Nghị
Elder Care Made Easier (Chăm Sóc Người Cao Tuổi Dễ Dàng Hơn). Somers, M., 2006, Nhà Xuất Bản Addicus Books.
How to Care for Aging Parents: A Complete Guide (Cẩm Nang Chăm Sóc Cha Mẹ Già: Hướng Dẫn Toàn Diện), Morris, V., 2004, Nhà Xuất Bản Workman Publishing.
Moving for Seniors: A Step-by-Step Workbook (Chuyển Nơi Ở Cho Người Cao Tuổi: Sổ Tay Hướng Dẫn Từng Bước), Morris, B., 2001, Smooth Transitions.
The Essential Guide to Caring for Aging Parents (Hướng Dẫn Thiết Yếu Để Chăm Sóc Cha Mẹ Già), Rhodes, L., 2012. Nhà Xuất Bản Alpha Books (Penguin Group).
Nguồn Lực
Family Caregiver Alliance (Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia Đình)
National Center on Caregiving (Trung Tâm Chăm Sóc Quốc Gia)
(415) 434-3388 | (800) 445-8106
Trang Web: www.caregiver.org
Tài Nguyên: https://www.caregiver.org/vietnamese/
Email: info@caregiver.org
FCA CareNav: www.caregiver.org/carenav
Caregiver Services by State (Dịch vụ Người chăm sóc theo Tiểu bang): https://www.caregiver.org/connecting-caregivers/services-by-state/
Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia Đình (Family Caregiver Alliance, FCA) mong muốn nỗ lực cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người chăm sóc thông qua giáo dục, dịch vụ, nghiên cứu và vận động ủng hộ. Thông qua Trung Tâm Chăm Sóc Quốc Gia, FCA cung cấp thông tin về các vấn đề xã hội, chính sách công và những vấn đề về chăm sóc hiện tại, đồng thời hỗ trợ phát triển các chương trình công và tư dành cho người chăm sóc. Đối với những cư dân ở Khu Vực Vịnh San Francisco mở rộng, FCA cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho những người chăm sóc bệnh nhân Alzheimer, đột quỵ, chấn thương sọ não, Parkinson và mắc các chứng rối loạn suy nhược khác gây tổn thương cho người trưởng thành.
TỜ THÔNG TIN FCA
Tất cả các Tờ Thông Tin của FCA đều có sẵn trực tuyến tại www.caregiver.org/vietnamese.
Chăm Sóc Cùng Anh Chị Em Của Bạn (Caregiving with your Siblings)
Thu Hẹp Căn Nhà Của Bạn: Danh Sách Cần Làm Cho (Downsizing a Home: A Checklist for Caregivers)
TỔ CHỨC
AARP
601 E St., NW
Washington DC 20049
(888) 687-2277
Cục Quản Lý Đời Sống Cộng Đồng
Bộ Y Tế & Dịch Vụ Nhân Sinh Hoa Kỳ
330 C St., SW
Washington, DC 20201
(202) 401-4634
Aging Life Care Association (Hiệp Hội Chăm Sóc Đời Sống Người Cao Tuổi) (trước là Hiệp Hội Quốc Gia Về Quản Lý Chăm Sóc Lão Khoa Chuyên Nghiệp)
Alzheimer’s Association (Hiệp Hội Alzheimer)
225 N. Michigan Ave., Fl. 17
Chicago, IL 60601-7633
(800) 272-3900
Eden Alternative
P.O. Box 18369
Rochester, NY 14618
(585) 461-3951
Eldercare Locator (Văn Phòng Thông Tin Chăm Sóc Người Cao Tuổi)
Định vị các cơ quan trong khu vực phụ trách về người cao tuổi và các nguồn lực khác
(800) 677-1116
LongTermCare.gov
Công cụ trực tuyến giúp bạn “Tìm thấy con đường để tiếp bước.”
Medicare và Medicaid
(800) MEDICARE
National Center for Assisted Living (Trung Tâm Quốc Gia về Hỗ Trợ Sinh Sống)
Cung Cấp Lựa Chọn Một Nơi Cư Ngụ Hỗ Trợ Sinh Sống: Hướng Dẫn Cho Người Tiêu Dùng
Bộ Gia Cư và Phát Triển Đô Thị Hoa Kỳ
Cục Tư Vấn Gia Cư
451 7th St., SW
Washington, DC 20410
(202) 708-1112
Village to Village Network (Mạng Lưới Làng tới Làng)
(617)-299- 9NET
Soạn thảo bởi Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia Đình. Duyệt bởi Brenda Klutz, B&R Kultz Consulting, LLC, trước đây là Phó Giám Đốc, Phòng Cấp Phép và Chứng Nhận, Sở Dịch Vụ Chăm Sóc Sức Khỏe California. Việc cập nhật tờ thông tin này được tài trợ bởi Genentech. Cập nhật lần cuối năm 2012. © 2003, 2012 Family Caregiver Alliance. Bảo lưu mọi quyền.