FCA logo

Suy Giảm Nhận Thức Nhẹ (MCI)(Mild Cognitive Impairment)

Tổng Quát

Chúng ta biết rằng một số chứng mất trí nhớ có liên quan đến tuổi già. Chúng ta quên tên của ai đó, quên nơi để chìa khóa, quên ngày tháng. Nhưng nếu chứng mất trí nhớ trở nên ngày càng rắc rối và quý vị nhận thấy chúng xảy ra ngày càng nhiều hơn, quý vị có thể mắc chứng bệnh gọi là suy giảm nhận thức nhẹ (mild cognitive impairment, MCI).

Tài liệu này cung cấp thông tin về MCI, một số lời khuyên thiết thực để đối phó với ảnh hưởng của bệnh, và đề nghị cách giúp đỡ cho các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè.

Thông Tin Về Suy Giảm Nhận Thức Nhẹ

Suy giảm nhận thức nhẹ là một giai đoạn trung gian giữa mất trí nhớ bình thường liên quan đến tuổi tác và bệnh Alzheimer hoặc một chứng suy giảm tương tự. Không phải tất cả mọi người mắc MCI đều tiến triển thành chứng sa sút trí tuệ. Và cũng giống như chứng sa sút trí tuệ, MCI không phải là một căn bệnh mà là một nhóm các triệu chứng mô tả những thay đổi trong cách quý vị tư duy hoặc xử lý thông tin. Các vấn đề về trí nhớ là chỉ số phổ biến nhất của MCI. Một người mắc MCI cũng có thể gặp khó khăn về phán đoán, tư duy và ngôn ngữ vượt ngoài những gì người ta có thể mong đợi trong quá trình lão hóa bình thường. Không rõ vì lý do gì, MCI dường như có ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn nữ giới.

Các thành viên trong gia đình và bạn bè nhận thấy những vấn đề này có thể không quan tâm vì các triệu chứng ban đầu có thể giống với những thay đổi bình thường liên quan đến tuổi tác. Những người bị MCI thường nhận ra họ đang gặp khó khăn nhưng vẫn có thể thực hiện hầu hết các hoạt động thường ngày và sống độc lập.

Triệu chứng của MCI

Nếu quý vị hoặc các thành viên trong gia đình ngày càng lo ngại về khả năng tâm thần và trí nhớ, thì nguyên nhân có thể là do MCI. Nếu như vậy, quý vị sẽ gặp phải một số hoặc tất cả các triệu chứng dưới đây:

  • Thường xuyên khó nhớ những điều đơn giản
  • Khó theo kịp một cuộc trò chuyện hoặc những hướng dẫn cơ bản
  • Thường xuyên mất tập trung suy nghĩ
  • Quên các cuộc hẹn hoặc các sự kiện theo lịch
  • Cảm thấy bị choáng ngợp khi quý vị cố gắng lập kế hoạch hoặc quyết định
  • Bị mất phương hướng ngay cả khi ở những địa điểm quen thuộc.

Với chứng MCI, những thay đổi này không xảy ra đột ngột mà ngày càng tệ dần theo thời gian. Ngoài các triệu chứng về nhận thức này (hoặc có thể do các triệu chứng này), nhiều người mắc MCI cũng gặp phải các triệu chứng phụ về cảm xúc như trầm cảm, lo lắng, cáu kỉnh hoặc thờ ơ.

Nguyên nhân dẫn đến MCI

Nguyên nhân dẫn đến MCI không rõ ràng, nhưng có vẻ một số nguy cơ giống như bệnh Alzheimer là nguy cơ dẫn đến MCI. Những nguy cơ đó bao gồm:

  • Những người từ 65 tuổi trở lên
  • Có tiền sử gia đình mắc MCI, bệnh Alzheimer hoặc một dạng khác của chứng sa sút trí tuệ
  • Có tình trạng bệnh lý nhất định, chẳng hạn như huyết áp cao, tiểu đường, đột quỵ, cao mỡ trong máu hoặc bệnh tim
  • Lạm dụng thuốc, bao gồm cả lạm dụng rượu
  • Thiếu tập thể dục

Chụp hình ảnh não và nghiên cứu y học đã chỉ ra rằng một số người với bệnh MCI cũng có các mảng nhỏ bất thường, chất hóa học đọng dày lên trong tế bào thần kinh và sự co lại ở trung tâm trí nhớ của não, giống như được quan sát thấy ở những người với bệnh Alzheimer (Alzheimer’s disease, AD).

Các vấn đề khác (có thể hồi phục) có thể góp phần gây mất trí nhớ, bao gồm ảnh hưởng giữa thuốc men (cả thuốc cần toa và thuốc không cần toa bác sĩ), bệnh lây nhiễm, thiếu chất bỗ, suy dinh dưỡng, bệnh lý tuyến giáp và rối loạn chuyển hóa khác, trầm cảm và lạm dụng ma túy/rượu.

Điều quan trọng cần lưu ý, một số người với MCI không bao giờ trở nên trầm trọng hơn và không tiến triển thành bệnh Alzheimer. Các nghiên cứu hiện tại cho thấy rằng khoảng một nửa số người được chẩn đoán với MCI sẽ tiếp tục tiến triển các triệu chứng, dẫn đến chẩn đoán bệnh Alzheimer hoặc một chứng sa sút trí tuệ tương tự.

Chẩn Đoán Và Điều Trị

Không có xét nghiệm riêng, cụ thể nào để chỉ ra biểu hiện của MCI. Cần đánh giá đầy đủ để chẩn đoán MCI và/hoặc loại trừ các nguyên nhân tiềm ẩn khác của các triệu chứng.

Bệnh này phải được đánh giá toàn diện, tương tự như bệnh Alzheimer, bao gồm khám sức khỏe, khám thần kinh, làm xét nghiệm trong phòng thí nghiệm, kiểm tra tâm lý thần kinh và trí nhớ, xem xét tiền sử bệnh và thuốc, và quan sát lâm sàng. Trải nghiệm của bệnh nhân với bạn thân hoặc các thành viên trong gia đình cũng rất quan trọng cho quá trình đánh giá bệnh.

Giống như việc không có xét nghiệm riêng cụ thể, cũng không có phương pháp điều trị hoặc cách chữa trị cụ thể nào cho MCI. Một số bác sĩ khuyên quý vị nên dùng các loại thuốc hiện được mua qua toa bác sĩ cho bệnh Alzheimer giai đoạn đầu hoặc giữa để cố gắng duy trì khả năng nhận thức cho người với MCI, nhưng các nghiên cứu không cung cấp bằng chứng rõ ràng về lợi ích của thuốc. Các loại thuốc mới đang được triển khai và nghiên cứu có thể được chấp thuận bởi  FDA. Chúng có thể bị hạn chế để xử dụng với những người ở giai đoạn đầu của chứng mất trí nhớ hoặc chỉ dành cho những người được tham gia thử nghiệm lâm sàng. Các nhà thần kinh học có thể giúp xác định xem những điều này có phù hợp để xử dụng hay không và đánh giá các rủi ro cũng như lợi ích.

Kích thích trí não và tập thể dục giúp tâm trí và cơ thể của quý vị hoạt động tốt. Các chuyên gia y tế đưa ra giả thuyết rằng những gì tốt cho tim cũng tốt cho não. Một nghiên cứu cho thấy rằng chỉ cần đi bộ năm đến sáu dặm mỗi tuần sẽ giúp duy trì khả năng nhận thức hoặc thậm chí làm chậm sự tiến triển của MCI.

Đối Phó với MCI

Suy giảm nhận thức nhẹ có thể khiến quý vị cảm thấy chán nản. Để đối phó với điều này, hãy thử một số kỹ thuật được liệt kê dưới đây giúp làm giảm bệnh mất trí nhớ cản trở sự tận hưởng cuộc sống của quý vị, hiệu quả trong công việc, các mối quan hệ và mục tiêu của quý vị trong tương lai.

  • Hãy kiên nhẫn với bản thân và yêu cầu gia đình của quý vị kiên nhẫn với quý vị. Hãy hiểu rằng quý vị có thể cảm thấy chán nản, lo lắng hoặc buồn khi bị suy giảm một số khả năng. Làm chậm lại đôi khi có thể giúp quý vị ghi nhớ hoặc hoàn thành công việc dễ dàng hơn.
  • Tìm hiểu thêm về MCI và chia sẻ kiến thức đó với những người xung quanh quý vị. Điều này sẽ giúp họ hiểu rõ hơn về những thay đổi đang ảnh hưởng đến quý vị.
  • Nếu MCI tiến triển thành chứng sa sút trí tuệ, hãy thảo luận với một thành viên trong gia đình, hoặc một người tin cậy khác về những ưu tiên của quý vị đối với các quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống của quý vị. (Để biết thêm thông tin về thảo luận những ưu tiên của quý vị, tham khảo các tài liệu thông tin của Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia ĐìnhLựa Chọn Chăm Sóc Hàng Ngày (Making Choices About Everyday Care) và Các Vấn Đề Pháp Lý Để Lập Kế Hoạch Cho Người Không Đủ Năng Lực (Legal Issues in Planning for Incapacity), được liệt kê ở mục Tài Nguyên của tài liệu này.)
  • Tìm cách diễn đạt tích cực để giải tỏa sự tức giận và chán nản của quý vị. Tập thể dục, nói chuyện với một người bạn thân hoặc nhân viên tư vấn và cân nhắc tham gia một nhóm hỗ trợ những người bị mất trí nhớ. (Hiệp Hội Bệnh Alzheimer có các nhóm hỗ trợ cho những người với bệnh Alzheimer giai đoạn đầu, bao gồm cả những người được chẩn đoán với MCI.) Nói chuyện với những người khác trải qua cùng kinh nghiệm hoặc điều tương tự sẽ rất hữu ích. Khuyến khích các thành viên trong gia đình quý vị tìm kiếm người tư vấn và hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu của họ.
  • Tiếp tục khám phá các cách để đáp ứng nhu cầu thân mật và gần gũi của quý vị. Tham gia vào các sự kiện gia đình khi quý vị có thể và giữ liên lạc với bạn bè. Tiếp tục tạo mối quan hệ thân thiết với những người khác trong suốt cuộc đời.
  • Hãy hỏi bác sĩ để tạo một chương trình tập thể dục phù hợp nhất với nhu cầu của quý vị. Tập thể dục góp phần tạo thể chất tốt, có thể làm giảm căng thẳng và giúp não của quý vị khỏe mạnh.
  • Sử dụng những lời nhắc có thể nhìn thấy và/hoặc có thể truy cập. Các chiến lược hữu ích bao gồm viết ghi chú cho chính quý vị, ghi trên tấm lịch lớn để theo dõi các cuộc hẹn, để lại tin nhắn cho chính mình trên máy trả lời tự động, sử dụng hộp thuốc cấp phát tự động và đặt chuông báo trên thiết bị di động để nhắc nhở quý vị về các sự kiện sắp tới.
  • Ghi lại câu chuyện cá nhân của quý vị bằng cách tạo một sổ lưu niệm, ghi âm tự truyện của quý vị hoặc lưu giữ cuốn nhật ký. Đây là một cách tuyệt vời để suy ngẫm về cuộc sống của quý vị và chia sẻ với những người thân thiết. Những vật lưu niệm này sẽ là kho báu của con cháu quý vị.
  • Giữ cho tâm trí luôn hoạt động để làm những việc quý vị thích: Giải câu đố, đọc báo, chơi bài, nghe nhạc, viết nhật ký, tìm hiểu về điều gì đó mới mẻ.
  • Biết rằng quý vị không chỉ là ai đó với MCI. Tôn vinh nhiều đặc tính cá nhân đa dạng mà quý vị có.
  • Nâng cao nhận thức của quý vị về các dự án nghiên cứu MCI và thử nghiệm lâm sàng về các loại thuốc mới. Tham gia vào các cuộc thử nghiệm thuốc nếu bác sĩ của quý vị cho rằng nó có thể giúp ích cho mình.
  • Trở thành người bênh vực quyền lợi cho chính mình và các cá nhân khác với MCI. Viết thư và gọi điện thoại cho các vị đại diện địa phương và tiểu bang, và hỗ trợ các tổ chức cộng đồng đào tạo nhân viên và chuyên gia về MCI.
  • Hoàn thành một bản Chỉ Thị Trước về Chăm Sóc Sức Khỏe, Giấy Ủy Quyền Dài Hạn và Giấy Ủy Quyền Dài Hạn về Tài Chính. Những tài liệu này sẽ giúp những người thân của quý vị cung cấp cho quý vị loại dịch vụ chăm sóc quý vị muốn và cần trong tương lai khi quý vị không thể nêu những ưu tiên đó. Gặp một luật sư am hiểu về lập kế hoạch di sản để soạn thảo di chúc, thiết lập tín mục hoặc xử lý các vấn đề pháp lý liên quan khác.
  • Tập trung vào khả năng hiện tại của quý vị và tránh lo lắng về những gì có thể xảy ra trong tương lai. Biết rằng có nhiều cách để sống một cuộc sống năng động và hiệu quả. Tập trung vào những gì quý vị có thể làm, chứ không phải những gì quý vị không thể.

Dưới đây là một số lời khuyên bổ sung để giúp quý vị tăng cường trí nhớ, sức khỏe và hạnh phúc của quý vị:

  • Chăm sóc tốt cơ thể của quý vị. Uống thật nhiều nước. Ăn ít chất béo, theo chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây và rau quả.
  • Duy trì một danh sách cập nhật các loại thuốc và thông tin liên lạc của quý vị (bác sĩ và gia đình). Luôn mang theo bên mình.
  • Giảm sự bừa bãi ở nhà; nhờ một người bạn giúp sắp xếp và dán nhãn các hồ sơ, tài liệu và thuốc men quan trọng.
  • Giảm uống rượu; nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tâm thần của quý vị.
  • Không hút thuốc
  • Tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội với bạn bè và gia đình.
  • Không ngừng học hỏi. Đọc sách, ghi danh vào một lớp học, tham dự một buổi hòa nhạc hoặc trò chơi.
  • Nói chuyện với bạn bè hoặc một chuyên gia tư vấn về cảm xúc của quý vị.

Chuyển Tiếp

Có thể cần phải thay đổi thói quen hàng ngày của quý vị do MCI. Mặc dù có thể đến lúc quý vị phải dựa vào người khác nhiều hơn để làm một số nhiệm vụ, quý vị sẽ muốn tham gia vào việc ra quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Mục đích là để tìm sự cân bằng trong cuộc sống của quý vị: đảm bảo an toàn cho mình trong khi vẫn duy trì mức độ độc lập hợp lý.

Có thể cần điều chỉnh những điều sau đây trong cuộc sống của quý vị:

  • Lái xe: Nếu quý vị lái xe, cần đánh giá liên tục khả năng lái xe của quý vị và tham khảo ý kiến bác sĩ. Cũng cần chú ý đến đề nghị của những người thân thiết với quý vị, vì họ có thể nhận ra những thay đổi trong khả năng lái xe của quý vị trước khi quý vị nhận ra. Hiệp Hội Người Mỹ Nghỉ Hưu cung cấp các lớp học lái xe và đánh giá khả năng lái xe.
  • Trách nhiệm trong gia đình: quý vị có thể gặp khó khăn trong việc quản lý gia đình. Các công việc như nấu ăn và uống thuốc có thể tiềm ẩn những rủi ro về an toàn. Chẳng hạn như quý vị có thể quên tắt bếp hoặc quên uống thuốc. Tuy nhiên, quý vị có thể tiếp tục tham gia vào các hoạt động gia đình với một sự giúp đỡ nhỏ nhặt từ người khác hoặc với sự hỗ trợ của công nghệ (nhắc thuốc điện tử, v.v.). Quý vị có thể chọn nhờ gia đình hoặc bạn bè hỗ trợ một số lĩnh vực nhất định hoặc quý vị có thể thuê người trợ giúp ở bên ngoài. Đây là thời điểm tốt để bắt đầu thảo luận về các lựa chọn với những người thân thiết với quý vị nếu quý vị không còn có thể quản lý những công việc này trong tương lai.
  • Trách nhiệm tài chính: Các công việc phức tạp như cân bằng sổ tài khoản ngân hàng, xử lý bảo hiểm và thanh toán hóa đơn có thể trở nên khó khăn và quá sức. Hãy cân nhắc việc nhờ một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè tin cậy giúp đỡ. Làm việc với luật sư để lập Giấy Ủy Quyền Tài Chính. Điều này sẽ cho phép một người tin cậy làm việc thay quý vị nếu quý vị không thể làm những việc này. Hãy nên báo cho người này biết sớm quá trình để họ có thời gian tìm hiểu những việc cần phải làm. Giống như lái xe, quản lý tài chính riêng của quý vị thể hiện sự độc lập. Có thể khó cho phép ai đó làm việc này cho quý vị, nhưng không nên ngượng ngùng khi thừa nhận quý vị cần giúp đỡ. Những người thân thiết với quý vị có thể nhận ra quý vị cần giúp đỡ trước khi quý vị cần.
  • Chăm sóc sức khỏe: Hoàn thành Bản Chỉ Thị Trước về Chăm Sóc Sức Khỏe (đôi khi được gọi là Giấy Ủy Quyền Dài Hạn về Chăm Sóc Sức Khỏe hoặc Di Chúc Sống), để đảm bảo rằng các thành viên trong gia đình quý vị biết các lựa chọn chăm sóc sức khỏe của quý vị. Điều quan trọng là phải có một cuộc trò chuyện về chăm sóc sức khỏe cuối đời và để hoàn thành các văn kiện thích hợp về những ưu tiên của quý vị.

Tài Nguyên Cộng Đồng Chính

 Công Cụ Tìm Kiếm Cơ Sở Chăm Sóc Người Cao Niên (Eldercare Locator) là một dịch vụ miễn phí sẽ kết nối quý vị với Tổ Chức Lão Hóa Vùng tại địa phương hoặc các nguồn trợ giúp khác.

Trung Tâm Chăm Sóc Quốc Gia của Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia Đình (Family Caregiver Alliance) (800-445-8106, www.caregiver.org) cung cấp trợ giúp tìm kiếm các dịch vụ trong cộng đồng của quý vị. Nếu quý vị hoặc gia đình của quý vị cư trú tại California, quý vị sẽ tìm thấy sự trợ giúp thông qua Trung Tâm Tài Nguyên Người Chăm Sóc tại địa phương bằng cách gọi (800) 445-8106. Các hệ thống y tế lớn như Kaiser Permanente thường cung cấp thông tin và hỗ trợ. Các trung tâm chẩn đoán cũng là nguồn hỗ trợ có giá trị.

Có thể khó chấp nhận một chẩn đoán mới về MCI cho quý vị hoặc người thân. Khi quý vị tìm hiểu thêm về tình trạng này, chúng tôi khuyến khích quý vị luôn cởi mở và nhớ rằng có nhiều người bị bệnh giống mình. Nói chuyện với những người có trải nghiệm tương tự có thể vô cùng hữu ích. Các tổ chức cung cấp trợ giúp và hỗ trợ nằm trong các cộng đồng trên toàn quốc và nhiều trang mạng cung cấp thông tin và cơ hội giao dịch với những người khác có tình trạng tương tự. Liên hệ để được giúp đỡ và hỗ trợ có thể tạo nên sự khác biệt.

  • Các tổ chức về bệnh Alzheimer, dịch vụ cho người cao niên và y tế: Một số tổ chức, cả địa phương và quốc gia, giúp đỡ những người bị suy giảm nhận thức hoặc sa sút trí tuệ và những người chăm sóc gia đình của họ. Nhiều tổ chức cung cấp các nhóm hỗ trợ, đường dây tư vấn và dịch vụ miễn phí cho quý vị. Tham khảo danh sách Tài Nguyên ở cuối tài liệu này để biết thông tin liên hệ cụ thể.
  • Nhóm hỗ trợ và dịch vụ tư vấn: Các nhóm hỗ trợ cho những người bị mất trí nhớ có thể chủ yếu theo định hướng thảo luận hoặc có thể cung cấp nhiều hoạt động sáng tạo bao gồm cả kế hoạch đi chơi. Các nhóm hỗ trợ người chăm sóc và các chương trình giáo dục cũng có sẵn trong cộng đồng cho các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè, những người đang hỗ trợ quý vị.
  • Chương trình thiện nguyện: Cơ hội làm việc thiện nguyện cho những người với MCI có sẵn ở một số khu vực. Quý vị có thể có cơ hội đóng góp thời giờ và tài năng của mình cho cộng đồng.
  • Chương trình nghệ thuật: Diễn đạt bản thân thông qua vẽ, hội họa, đất nặn hoặc nhiếp ảnh, có thể bổ ích và cung cấp cho quý vị cơ hội tuyệt vời để tự diễn tả.
  • Chương trình có cấu trúc trong ngày: Các chương trình trong ngày dành cho người lớn bao gồm các sinh hoạt như nghệ thuật, âm nhạc, làm vườn, tập thể dục, nhóm thảo luận, các chuyến đi thực tế và hỗ trợ nhu cầu sức khỏe thể chất.
  • Hỗ trợ chuyên nghiệp: Tận dụng lợi thế của các chuyên gia hỗ trợ duy trì sức mạnh thể chất và sự phối hợp của quý vị, chẳng hạn như huấn luyện viên cá nhân, nhà trị liệu nghề nghiệp và vật lý trị liệu. Thuê người giúp việc để giúp quý vị làm việc nhà và việc vặt.
  • Hỗ trợ pháp lý và tài chính: Một lần nữa, việc soạn thảo Bản Chỉ Thị Chăm Sóc Trước về Sức Khỏe và Giấy Ủy Quyền Tài Chính Dài Hạn là bước cần thiết đầu tiên. Cơ Quan Khu Vực Người Cao Niên có một danh sách các dịch vụ pháp lý miễn phí và chi phí thấp cho người cao niên trong cộng đồng của quý vị. Để biết thêm thông tin, tham khảo tài liệu của FCA Kế Hoạch Pháp Lý Cho Người Không Đủ Năng Lực (Legal Planning for Incapacity).
  • Quản lý chăm sóc: Người quản lý chăm sóc có kinh nghiệm trong lĩnh vực sa sút trí tuệ có thể giáo dục, hỗ trợ về chuyển tiếp, hỗ trợ tinh thần, và hướng dẫn trong việc tìm kiếm và điều phối các nguồn tài nguyên cộng đồng.

Tài Nguyên

Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia Đình
Trung Tâm Chăm Sóc Quốc Gia

(415) 434-3388 | (800) 445-8106
Trang web: www.caregiver.org
Tài nguyên: https://www.caregiver.org/vietnamese/
Email: info@caregiver.org
FCA CareNav: https://fca.cacrc.org/login
Các Dịch Vụ theo Bang: https://www.caregiver.org/connecting-caregivers/services-by-state/

Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia Đình (FCA) tìm cách cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người chăm sóc thông qua giáo dục, dịch vụ, nghiên cứu và vận động ủng hộ. Thông qua  Trung Tâm Chăm Sóc Quốc Gia, FCA cung cấp thông tin về các vấn đề xã hội, chính sách công và những vấn đề về chăm sóc hiện tại, đồng thời hỗ trợ phát triển các chương trình công và tư dành cho người chăm sóc, cũng như cung cấp tổng đài cuộc gọi miễn phí cho người chăm sóc gia đình và các chuyên gia trên cả nước. Đối với những cư dân ở Vùng Vịnh San Francisco, FCA cung cấp các dịch vụ hỗ trợ gia đình trực tiếp cho những người chăm sóc bệnh nhân Alzheimer, đột quỵ, ALS, chấn thương đầu, Parkinson và mắc các chứng rối loạn não suy nhược khác gây tổn thương cho người trưởng thành.

Tài liệu và lời khuyên của FCA

Danh sách tất cả thông tin và lời khuyên có sẵn trực tuyến tại www.caregiver.org/vietnamese.

Các tổ chức và đường dẫn khác

Hiệp Hội Bệnh Alzheimer
www.alz.org

Trung Tâm Giới Thiệu & Giáo Dục Bệnh Alzheimer
(Alzheimer’s Disease Education and Referral Center, ADEAR)

www.nia.nih.gov

Tổ Chức BrightFocus
www.brightfocus.org

Công Cụ Tìm Kiếm Cơ Sở Chăm Sóc Người Cao Niên
eldercare.acl.gov

Nên đọc

Suy giảm nhận thức nhẹ (MCI), Phòng Khám Mayo. www.mayoclinic.com

Suy giảm nhận thức nhẹ (MCI), Trung Tâm Trí Nhớ và Lão Hóa, Đại Học California San Francisco. www.memory.ucsf.edu


Tài liệu này do Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia Đình biên soạn và Daniel Kuhn, M.S.W, Giám Đốc Giáo Dục, Viện Lão Hóa Mather, Mather LifeWays, và Cynthia Barton, R.N., M.S.N., Trung Tâm Trí Nhớ và Lão Hóa, Đại Học California San Francisco hiệu đính. © 2016-2020 Family Caregiver Alliance. Bảo lưu mọi quyền.