Trầm Cảm Ở Người Chăm Sóc: Cuộc Khủng Hoảng Sức Khỏe Thầm Lặng (Caregiver Depression: A Silent Health Crisis)
Một trong các cuộc khủng hoảng sức khỏe thầm lặng nhất hiện nay là trầm cảm ở người chăm sóc. Ước tính khiêm tốn cho thấy 20% người chăm sóc gia đình bị trầm cảm, gấp đôi tỷ lệ của dân số nói chung. Trong số các khách hàng của Trung Tâm Nguồn Lực Người Chăm Sóc California, gần 60% cho thấy dấu hiệu của trầm cảm. Và những người từng là người chăm sóc có thể không thoát khỏi ảnh hưởng kéo dài của tình trạng này sau khi kết thúc chăm sóc. Nghiên cứu gần đây cho thấy 41% những người từng là người chăm sóc của vợ/chồng bị bệnh Alzheimer hoặc hình thức sa sút trí tuệ khác bị trầm cảm từ nhẹ đến nặng trong tối đa ba năm sau khi vợ/chồng họ qua đời. Nhìn chung, tỷ lệ trầm cảm ở người chăm sóc là nữ cao hơn nam.
Việc chăm sóc không gây ra trầm cảm và không phải tất cả những người chăm sóc đều có cảm xúc tiêu cực đi kèm với trầm cảm. Tuy nhiên, nhằm mang đến sự chăm sóc tốt nhất có thể cho thành viên gia đình hay bạn bè, người chăm sóc thường hy sinh nhu cầu thể chất và cảm xúc của chính mình; các trải nghiệm về cảm xúc và thể chất liên quan đến việc chăm sóc có thể gây căng thẳng, thậm chí với người có khả năng đương đầu nhất. Cảm giác giận dữ, lo âu, buồn phiền, tách biệt, kiệt sức, đôi khi tội lỗi vì có những cảm giác này, có thể làm nên gánh nặng.
Thật không may, cảm giác trầm cảm thường được xem là dấu hiệu của sự yếu đuối hơn là dấu hiệu của một điều gì đó đã mất cân bằng. Những lời nhận xét “vượt qua nó đi” hoặc “tại mình nghĩ vậy thôi” không hề có ích, và phản ảnh một niềm tin rằng những mối quan ngại về sức khỏe là không có thật. Việc bỏ qua hoặc chối bỏ những cảm giác của bạn sẽ không làm cho chúng mất đi.
Mọi người trải qua trầm cảm theo các cách khác nhau; loại và mức độ triệu chứng thay đổi theo cá nhân và có thể thay đổi theo thời gian. Các triệu chứng sau đây có thể cho thấy trầm cảm nếu trải qua trong hơn hai tuần liên tục:
- Thay đổi thói quen ăn uống, dẫn đến việc tăng hay giảm cân ngoài ý muốn
- Thay đổi giấc ngủ – ngủ quá nhiều hoặc không đủ
- Lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi
- Mất hứng thú với những người và/hoặc những hoạt động đã từng mang lại niềm vui cho bạn
- Dễ bị kích động hay nổi nóng
- Cảm thấy mình làm gì cũng không đủ tốt
- Nghĩ đến cái chết hay tự tử, hoặc cố tự tử
- Những triệu chứng liên tục về thể chất không đáp ứng điều trị, như là đau đầu, rối loạn tiêu hóa và đau mạn tính
Việc chú ý sớm đến các triệu chứng trầm cảm có thể giúp ngăn ngừa tiến triển trầm cảm nghiêm trọng hơn theo thời gian.
Viện Sức Khỏe Tâm Thần Quốc Gia đưa ra các khuyến nghị sau:
- Đặt ra mục tiêu thực tế theo tình trạng trầm cảm và chịu mức trách nhiệm hợp lý.
- Hãy phân những nhiệm vụ lớn thành những công việc nhỏ hơn, đặt ra một vài ưu tiên, và làm những gì trong khả năng của bạn.
- Cố gắng dành thời gian với người khác và tâm sự; điều này thường tốt hơn là ở một mình và giữ bí mật.
- Tham gia vào những hoạt động làm bạn cảm thấy tốt hơn, như là tập thể dục nhẹ nhàng, đi xem phim hoặc một trận đấu bóng, hoặc tham gia một sự kiện tôn giáo, xã hội, hoặc cộng đồng.
- Mong đợi rằng tâm trạng của bạn sẽ cải thiện từ từ, chứ không phải ngay lập tức. Cần có thời gian để cảm thấy khá hơn.
- Nên trì hoãn những quyết định quan trọng cho đến khi bệnh trầm cảm đã bớt. Trước khi quyết định đưa ra một sự chuyển tiếp to lớn như đổi việc, kết hôn hoặc ly dị, hãy thảo luận với những người khác biết rõ về bạn và có thể đưa ra một góc nhìn khách quan hơn cho tình huống của bạn.
- Người ta hiếm khi “nhanh chóng vượt qua” trầm cảm. Nhưng họ có thể cảm thấy tốt hơn mỗi ngày một ít.
- Hãy nhớ, suy nghĩ tích cực thay thế suy nghĩ tiêu cực, là một phần của bệnh trầm cảm. Suy nghĩ tiêu cực sẽ giảm bớt khi bệnh trầm cảm của bạn đáp ứng với điều trị.
- Hãy để gia đình và bạn bè giúp đỡ bạn.
Biện pháp điều trị phổ biến nhất cho các triệu chứng trầm cảm đã tiến triển quá giai đoạn nhẹ là thuốc chống trầm cảm như Prozac hoặc Zoloft, các thuốc này giúp giảm nhẹ triệu chứng tương đối nhanh, song song kết hợp với phương pháp tâm lý, cung cấp các cách thức mới để có cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Chuyên gia sức khỏe tâm thần như nhà tâm lý hay nhà tâm thần có thể đánh giá tình trạng của bạn và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất cho bạn.
Giảm nhẹ chăm sóc để nghỉ ngơi, phản hồi tích cực từ người khác, tự nói điều tích cực với bản thân và hoạt động giải trí đều rất hữu ích trong việc tránh trầm cảm. Hãy tìm kiếm những lớp học và nhóm hỗ trợ thông qua các tổ chức hỗ trợ người chăm sóc để giúp bạn học hỏi và thực tập những chiến thuật giải quyết vấn đề và đối phó hiệu quả cần thiết cho công việc chăm sóc. Vì sức khỏe của bạn và những người xung quanh bạn, hãy dành thời gian để chăm sóc bản thân.
Tài liệu thông tin của FCA Bệnh Trầm Cảm và Công Việc Chăm Sóc (Depression and Caregiving) thảo luận chuyên sâu hơn về vấn đề này và có sẵn bằng cả tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha trên trang web của FCA.
Tài liệu này được chuẩn bị bởi Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia Đình (Family Caregiver Alliance). © 2002 Family Caregiver Alliance. Tất cả các quyền được bảo hộ.