U Não (Brain Tumor
Giới Thiệu
Khối u não là một nhóm các tế bào phát triển ngoài tầm kiểm soát ở bên trong não. Còn được gọi là khối u, tăng trưởng, khối hoặc thương tổn, khối u não được phân loại là nguyên phát hoặc thứ phát (di căn) và có thể lành tính hoặc ác tính.
- Các khối u não nguyên phát phát triển và thường vẫn còn ở lại trong não.
- Các khối u não thứ phát, hoặc khối u não di căn, là bệnh ung thư phát triển ở những nơi khác trong cơ thể và di căn đến não. Các loại ung thư phổ biến nhất di căn đến não là ung thư phổi, ung thư vú, ung thư hắc tố da, ung thư trực tràng và ung thư thận.
- Các khối u não ác tính phát triển nhanh chóng và chèn ép và/hoặc xâm lấn mô não bình thường.
- Các khối u não lành tính thường không phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, ngay cả những khối u lành tính cũng có thể đe dọa đến tính mạng, do vị trí của chúng trong não.
- Việc được thông báo chẩn đoán u não là điều khó khăn đối với các gia đình, nhưng vẫn còn lý do để hy vọng. Đã có những tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường hiểu biết y học về bệnh ung thư nói chung cũng như trong việc tìm hiểu sinh học của khối u não, cho phép việc điều trị trở nên hiệu quả hơn. Nhiều phương pháp điều trị sẽ được thảo luận ngay sau đây.
Thực Trạng
Theo Cơ Quan Đăng Ký Khối U Não Trung Ương Hoa Kỳ (Central Brain Tumor Registry of the United States, CBTRUS), ước tính mỗi năm có khoảng 87,000 trường hợp u não nguyên phát mới được chẩn đoán ở Hoa Kỳ. 30% các khối u này là u não ác tính. Các khối u não ác tính nguyên phát chiếm 2.4% tổng số ca tử vong do ung thư ở Hoa Kỳ. Gần 70% các khối u não nguyên phát là lành tính và có thể được điều trị thành công. Mỗi năm có thêm 150,000 người được chẩn đoán mắc bệnh u não di căn. Tần suất các khối u não di căn ngày càng tăng: những cải tiến trong việc điều trị ung thư nguyên phát ở những nơi khác trong cơ thể cho phép con người sống lâu hơn, nhưng các tế bào ung thư đi lạc có thể tìm đường đến não. Có hơn 100 loại u não. Một số loại u não nguyên phát thường xảy ra nhất ở trẻ em, trong khi những loại khác xảy ra thường xuyên hơn ở người trưởng thành. Các khối u não ở người trưởng thành thường xuất hiện ở độ tuổi từ 40 đến 60, và thường xảy ra ở nhiều hơn một chút ở nam giới.
Triệu Chứng
Khi các tế bào khối u nhân lên trong não, chúng có thể gây áp lực, kích thích và/hoặc phá hủy các mô não bình thường. Kết quả là, khối u não có thể gây ra các triệu chứng như:
- đau đầu
- co giật
- vấn đề về nói
- suy nhược
- tầm nhìn kém
- đau hoặc tê
- vấn đề cử động
- tê liệt
- buồn nôn hoặc nôn mửa
Các khối u não có thể gây cảm giác mệt mỏi hoặc kiệt sức. Ngoài ra, khối u não có thể gây ra các vấn đề về trí nhớ, đọc và nói. Các triệu chứng cảm nhận được thường liên quan đến vị trí của khối u. Không phải ai cũng có mọi triệu chứng. Khoảng một phần ba số người bị u não không có triệu chứng nào.
Chẩn Đoán Khối U Não
Các khối u não thường được chẩn đoán khi bệnh nhân đã cảm nhận được triệu chứng khiến họ phải tìm đến dịch vụ chăm sóc y tế. Các triệu chứng thường gặp khi chẩn đoán bao gồm đau đầu, co giật, suy nhược, thay đổi về nói, thị lực, suy nghĩ hoặc cá tính. Sau khi bác sĩ khám cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như chụp cộng hưởng từ trường (magnetic resonance imaging, MRI). Hình ảnh chụp giúp cho thấy được nguyên nhân gây ra triệu chứng. Các hình ảnh cho thấy kích thước, vị trí chính xác và ảnh hưởng đến một tổn thương trong não. Các xét nghiệm hình ảnh không cung cấp chẩn đoán xác định. Nếu nghi ngờ có khối u và nếu có thể, quý vị nên tiến hành giải phẩu để lấy mẫu mô nhằm xác định chính xác loại tế bào hoặc khối u đó. Chẩn đoán sẽ được thực hiện từ mẫu mô.
Các khối u não có thể được chẩn đoán và đánh giá bằng cách sử dụng kết hợp các phương pháp sau:
- Chụp cộng hưởng từ trường (MRI)
- Chụp cắt lớp vi tính (Computerized tomography, CT)
- Chụp cắt lớp phát xạ dương tử (Positron emission tomography, PET)
- Sinh thiết
Chụp MRI, CT và PET đều là những cách để chụp ảnh bên trong cơ thể. Những phương pháp này không yêu cầu giải phẩu. Các phương thức này sẽ được thảo luận chi tiết hơn ở bên dưới.
Chụp cộng hưởng từ trường (MRI)
MRI được đề nghị và là phương pháp được ưa chuộng để chụp ảnh khối u do hình ảnh được tạo ra có chất lượng cao. Máy MRI sử dụng một nam châm cực mạnh để tạo ra hình ảnh. Với MRI tăng cường độ tương phản, bệnh nhân ban đầu sẽ được tiêm một loại thuốc nhuộm làm cho mô bình thường và mô khối u được hiện lên khác nhau. Nếu người thân của quý vị yêu cầu chụp MRI, hãy đảm bảo thông báo cho bác sĩ về tiền sử dị ứng hoặc phản ứng thuốc. Bởi vì MRI sử dụng nam châm, sẽ không có kim loại nào được đưa vào phòng trong lúc thực hiện MRI. Những bệnh nhân mang máy tạo nhịp tim và/hoặc cấy ghép kim loại không thể chụp MRI.
Chụp cắt lớp vi tính (CT)
Việc chụp cắt lớp vi tính có thể được sử dụng cho những bệnh nhân không thể làm MRI vì họ có mang máy tạo nhịp tim, cấy ghép kim loại, dị ứng hoặc mắc hội chứng sợ không gian hẹp.
Máy chụp cắt lớp vi tính chụp tia X-quang nhiều vùng nhỏ của não từ các góc độ khác nhau. Sau đó, máy tính sẽ kết hợp các bản quét để tạo ra một hình ảnh ba chiều chi tiết.
Vì chất i-ốt có thể được sử dụng như một chất tương phản để tăng cường hình ảnh, quý vị nên thông cho bác sĩ nếu người thân của quý vị bị dị ứng, tiểu đường, hen suyễn, bệnh tim, các vấn đề về thận hoặc các bệnh về tuyến giáp.
Chụp cắt lớp phát xạ dương tử (PET)
Chụp PET đôi khi được sử dụng cùng MRI hoặc CT để đánh giá khối u não. Sau khi được điều trị khối u não, chụp PET cũng có thể được sử dụng để phân biệt khối u mới phát triển với mô sẹo hoặc hoại tử (tế bào bị diệt bởi bức xạ).
Sinh thiết
Sinh thiết là giải phẩu cắt bỏ một phần nhỏ của mô khối u với mục đích cụ thể để đưa ra chẩn đoán. Mô được nghiên cứu để xác nhận loại khối u và giúp nhóm chăm sóc sức khỏe phác thảo kế hoạch điều trị.
Điều Trị Khối U Não
Một loạt các phương pháp sẽ được xem xét trong quá trình điều trị khối u não. Nhóm chăm sóc sức khỏe của quý vị sẽ thiết kế một kế hoạch để điều trị khối u và giảm thiểu bất kỳ triệu chứng nào mà khối u não có thể gây ra.
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe sau đây có thể là một phần của nhóm điều trị:
- Bác sĩ thần kinh: bác sĩ chuyên điều trị bệnh nhân mắc các bệnh về não và các bộ phận khác của hệ thần kinh.
- Bác sĩ giải phẫu thần kinh (hoặc bác sĩ giải phẫu não: bác sĩ chuyên giải phẩu não và phần còn lại của hệ thần kinh.
- Bác sĩ chuyên khoa ung thư não: bác sĩ chuyên điều trị bệnh nhân u não và các khối u hệ thần kinh khác.
- Bác sĩ tâm lý học thần kinh: bác sĩ tâm lý học chuyên nghiên cứu về cách thức hoạt động của não và ảnh hưởng mà tổn thương não gây ra cho bệnh nhân.
- Bác sĩ xạ trị ung thư: bác sĩ chuyên quản lý bệnh nhân ung thư và điều trị họ bằng xạ trị.
- Nhà vật lý trị liệu: nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chuyên dạy và hướng dẫn bệnh nhân thông qua nhiều bài tập khác nhau để ngăn ngừa cơn đau và phục hồi chức năng thể chất, hoặc giúp bệnh nhân thích nghi với các giới hạn thể chất mới.
- Nhà trị liệu nghề nghiệp: nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe giúp bệnh nhân có được sự độc lập trong việc chăm sóc bản thân, bằng cách cung cấp các chiến lược và bài tập để cho phép họ tham gia vào các thói quen cũng như vai trò chăm sóc hàng ngày.
- Nhà bệnh lý ngôn ngữ hoặc nhà trị liệu ngôn ngữ: nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chuyên điều trị các vấn đề về giao tiếp và nuốt.
- Nhân viên xã hội: nhà chăm sóc sức khỏe chuyên cung cấp các dịch vụ trực tiếp cho những người mắc bệnh ung thư và gia đình của họ bao gồm tiếp cận và kết nối với các nguồn tài nguyên, tư vấn, hỗ trợ và giáo dục.
Giải Phẩu
Phương pháp điều trị đầu tiên được lựa chọn, tùy thuộc vào vị trí và kích thước của khối u, là giải phẩu loại bỏ càng nhiều tổn thương càng tốt (còn gọi là cắt bỏ). Giải phẩu cũng có thể làm giảm các triệu chứng do phù não. Sự cải tiến trong kỹ thuật giải phẩu những năm gần đây đã giúp việc giải phẩu an toàn hơn nhiều. Tuy nhiên, giải phẩu luôn tiềm ẩn những rủi ro mà quý vị và người thân nên thảo luận với bác sĩ chuyên khoa ung thư và giải phẩu thần kinh. Khi quyết định liệu giải phẩu có phù hợp với người thân của quý vị hay không, bác sĩ sẽ xem xét kích thước, vị trí và loại khối u, cũng như sức khỏe toàn diện và tiền sử bệnh của bệnh nhân.
Điều Trị Xạ Trị hay Xạ Trị
Xạ trị là việc sử dụng tia X không gây đau đớn để phá hủy các tế bào khối u bằng cách làm cho chúng không thể sinh sản. Xạ trị có thể được sử dụng sau giải phẩu để ngăn khối u quay trở lại (tái phát) bằng cách tiêu diệt các tế bào khối u không thể loại bỏ hoàn toàn. Trong trường hợp không thể chọn phương pháp giải phẩu, xạ trị có thể được sử dụng thay cho giải phẩu để phá hủy mô khối u hoặc để làm giảm các triệu chứng. Các loại xạ trị khác nhau được mô tả dưới đây:
- Xạ trị toàn bộ não (Whole brain radiotherapy, WBRT) phân phối một lượng bức xạ đồng đều cho toàn bộ não. Xạ trị toàn bộ não được sử dụng khi ung thư đã di căn đến não và khi có nhiều khối u. Ưu điểm của phương pháp xạ trị toàn bộ não là có thể điều trị được các khối u lớn nhỏ, nhiều khối u cùng lúc và cả những khối u nằm sâu trong não mà không thể giải phẩu cắt bỏ. Xạ trị toàn bộ não thường được sử dụng để giảm nguy cơ tái phát khối u sau giải phẩu.
- Xạ trị chùm tia bên ngoài thông thường là hình thức xạ trị phổ biến nhất và được sử dụng để điều trị các khối u não nguyên phát. Chính xác hơn là WBRT. Các chùm tia này nhắm vào khối u cùng với một đường viền nhỏ của mô xung quanh khối u để chừa lại phần mô não khỏe mạnh. Xạ trị chùm tia bên ngoài thông thường không gây đau đớn và thường được thực hiện trong 15 phút tại văn phòng trị liệu trong nhiều tuần.
- Xạ phẫu là một hình thức xạ trị được nhắm nhiều hơn vào mục tiêu và thực tế không phải là giải phẩu. Nó được gọi là “xạ phẫu” vì độ chính xác và tập trung. Thiết bị được sử dụng cho xạ phẫu thường được gọi bằng tên thương hiệu, chẳng hạn như Gamma Knife®, XKnife® hoặc CyberKnifeTM. Hình thức trị liệu này cung cấp liều lượng bức xạ cao hơn tới một khối u nhỏ (thường có đường kính 1.5 inch hoặc nhỏ hơn) trong một lần điều trị duy nhất. Bởi vì hình thức xạ trị này nhắm mục tiêu chính xác hơn vào khối u, nó ít có khả năng làm tổn thương các mô khỏe mạnh. Liệu pháp thường được sử dụng để điều trị các khối u di căn nhỏ và các khối u nhỏ tái phát. Phương pháp xạ phẫu chỉ điều trị các khối u có thể được phát hiện qua chụp MRI hoặc CT.
Hóa Trị
Hóa trị là việc sử dụng các loại thuốc đặc biệt để tiêu diệt các tế bào khối u. Một số loại thuốc hóa trị được đưa bằng đường uống qua miệng, những loại khác được đưa bằng đường tiêm. Trong một số trường hợp, có thể cần phải tiến hành hóa trị liên tục trong một thời gian dài. Trong trường hợp này, một máy bơm hoặc ống thông có thể được đặt dưới da để đưa thuốc vào.
Có một lớp bảo vệ hóa học xung quanh não được gọi là hàng rào máu não. Hàng rào này có thể ngăn thuốc hoặc hóa trị được đưa vào cơ thể qua đường uống hoặc tiêm vào não. Để giải quyết vấn đề này, các phương pháp đưa hóa trị mới đang được phát triển để đưa thuốc trực tiếp vào khối u. Một ví dụ về điều này là cấy ghép các tấm thuốc hóa trị qua giải phẩu để cấy vào vị trí khối u và điều trị theo thời gian.
Các loại thuốc mới cũng đang được phát triển nhằm vào các bất thường cụ thể được tìm thấy trong các tế bào khối u. Được gọi là “liệu pháp nhắm mục tiêu”, thế hệ thuốc mới này hình thành nền tảng của y học cá nhân hóa bằng cách nhắm mục tiêu vào các gen (chất đạm), thụ thể và các chất men đặc trưng cho các tế bào khối u. Thuốc nhắm mục tiêu hoạt động bằng cách ngăn chặn tín hiệu tế bào làm cho tế bào khối u phát triển hoặc bằng cách gửi tín hiệu để tế bào khối u tự tiêu diệt.
Bởi vì hóa trị có thể ảnh hưởng đến cả tế bào khỏe mạnh và tế bào khối u, có thể sẽ xảy ra các phản ứng phụ. Những tác động này sẽ khác nhau tùy vào loại thuốc và từng cá nhân.
Liệu Pháp Miễn Dịch
Liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị ung thư nhằm tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại hoặc tiêu diệt các tế bào ung thư. Có nhiều liệu pháp miễn dịch khác nhau, bao gồm kháng thể đơn dòng và liệu pháp điều trị khối u, liệu pháp miễn dịch không đặc hiệu, liệu pháp vi-rút tiêu diệt khối u, liệu pháp tế bào t và thuốc chích ngừa ung thư. Tùy thuộc vào loại tế bào ung thư gây ra khối u não, các loại liệu pháp miễn dịch khác nhau có thể sẽ được đề nghị. Có một số liệu pháp miễn dịch hiện đã được chấp thuận để điều trị ung thư ảnh hưởng toàn thân có thể di căn đến não.
Hiện có hai phương pháp liệu pháp miễn dịch được FDA chấp thuận cho các bệnh ung thư não nguyên phát và ung thư thần kinh trung ương. Chúng là các kháng thể nhắm mục tiêu;
Bevacizumab (Avastin): kháng sinh đơn dòng nhắm vào Yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF)/Thụ thể của yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGFR)và ức chế sự phát triển của mạch máu khối u. Thuốc này được chấp thuận để điều trị u nguyên bào thần kinh đệm tái phát.
Dinutuximab (Unituxin): kháng thể đơn dòng nhắm vào GD2; được chấp thuận cho điều trị đầu tiên đối với bệnh u nguyên bào thần kinh ở trẻ em có nguy cơ cao.
Liệu pháp miễn dịch bổ sung đang được thử nghiệm trong các thử nghiệm lâm sàng trên khắp thế giới.
Điều Trị Khối U Bằng Điện Trường (Optune)
Điều trị khối u bằng điện trường (Tumor Treating Fields, TTF) là một liệu pháp điều trị ung thư sử dụng điện trường được điều chỉnh theo các tần số cụ thể để phá vỡ sự phân chia tế bào, ức chế sự phát triển của khối u và cuối cùng là tiêu diệt tế bào. Liệu pháp này đã được FDA chấp thuận để điều trị u nguyên bào thần kinh đệm. TTF cần có năng lượng điện hoặc một bộ pin và bệnh nhân phải đội một chiếc mũ có các “mảng”, có tác dụng truyền điện trường xoay chiều qua các tế bào khối u. Ngoài việc kích ứng da nhẹ nơi các mảng được đặt trên da đầu, liệu pháp này không có phản ứng phụ toàn thân.
Điều Trị Các Triệu Chứng
Các phương pháp điều trị sau đây có thể giúp điều trị các triệu chứng của khối u não, chẳng hạn như đau đầu và buồn nôn, mặc dù chúng không thực sự giúp loại bỏ khối u hoặc chữa khỏi bệnh cho người thân của quý vị:
Thuốc giảm sưng viêm (Corticosteroid)
Các khối u não thường gây phù nề và viêm bên trong hộp sọ. Điều này có thể gây đau đầu, buồn ngủ và các vấn đề khác. Thuốc giảm sưng viêm(corticosteroid), thường là dexamethasone, làm giảm sưng nhanh chóng và có thể cải thiện chức năng tâm thần. Hầu hết các bệnh nhân cảm thấy tốt hơn khi dùng thuốcgiảm sưng viêm ngắn hạn, tuy nhiên, một số người sẽ cần dùng thuốc giảm sưng viêmtrong hơn vài tháng để kiểm soát các triệu chứng. Nếu người thân của quý vị dùng thuốc giảm sưng viêmnhư một phần của kế hoạch điều trị, hãy đảm bảo thông báo với bác sĩ hoặc y tá về bất kỳ thay đổi nào trong sức khỏe của họ mà quý vị có thể nhận thấy. Thuốc giảm sưng viêmcó thể gây ra các phản ứng phụ như tăng cân, tăng cảm giác thèm ăn, mất ngủ, cáu kỉnh. Ngoài ra, người thân của quý vị nên trao đổi với bác sĩ nếu họ quyết định ngưng sử dụng thuốc giảm sưng viêmvì việc ngừng đột ngột có thể gây nguy hiểm.
Thuốc chống co giật (Anticonvulsants)
Có thể dùng thuốc để giúp ngăn ngừa co giật. Những loại thuốc này được gọi là thuốc chống động kinh hoặc thuốc chống co giật. Có một số loại thuốc chống co giật có sẵn như Keppra, Tegretol, Trileptal, Lamictal, Dilantin, Depakote, Neurontin và phenobarbitol. Nếu người thân của quý vị đang dùng thuốc chống co giật như một phần của kế hoạch điều trị và thuốc không có tác dụng hoặc gây ra các phản ứng phụ khó chịu, bác sĩ có thể chuyển sang một loại thuốc khác.
Liệu pháp bổ sung
Điều trị y tế cho người thân của quý vị được lên kế hoạch một cách cẩn trọng để kiểm soát bệnh và giảm thiểu triệu chứng nhiều nhất có thể. Nhiều người tìm kiếm các liệu pháp bổ sung để giúp họ cảm thấy tốt hơn và đối phó với sự căng thẳng của bệnh ung thư. Những liệu pháp này không nhằm thay thế liệu pháp y tế, nhưng có thể giúp người thân của quý vị kiểm soát các triệu chứng của họ. Các liệu pháp bổ sung cho bệnh ung thư có thể bao gồm quản lý căng thẳng, thư giãn và đào tạo hình ảnh, thiền, hỗ trợ nhóm, cố vấn gia đình, dinh dưỡng, thảo dược, xoa bóp, châm cứu và giáo dục. Một số trung tâm và bệnh viện ung thư cung cấp các dịch vụ này cho những người mắc bệnh ung thư, gia đình và người chăm sóc của họ.
Thử Nghiệm Lâm Sàng Có Thể Trợ Giúp Người Thân Của Quý Vị Không?
Thử nghiệm lâm sàng là việc nghiên cứu thử nghiệm các phương pháp điều trị mới. Đối với nghiên cứu ung thư, thử nghiệm lâm sàng có thể tập trung vào thuốc, giải phẩu, xạ trị, một loại liệu pháp mới hoặc một số kết hợp của những điều kể trên. Lợi ích của việc tham gia thử nghiệm lâm sàng bao gồm:
- Nhận sự chăm sóc từ nhóm y tế chuyên điều trị căn bệnh của quý vị
- Là một trong những người đầu tiên nhận được một phương pháp điều trị mới đầy hứa hẹn
- Giúp các bác sĩ hiểu thêm về điều trị ung thư, từ đó giúp ích cho những bệnh nhân ung thư trong tương lai
Một số rủi ro khi tham gia thử nghiệm lâm sàng bao gồm:
- Phương pháp điều trị thử nghiệm có thể không tốt bằng phương pháp chăm sóc tiêu chuẩn
- Phương pháp điều trị mới có thể không hiệu quả cho người thân của quý vị
- Người thân của quý vị có thể nằm trong nhóm nghiên cứu không nhận được phương pháp điều trị mới
Các bác sĩ hiện đang nghiên cứu một số phương pháp điều trị khối u não trong các thử nghiệm lâm sàng. Một số loại thuốc mới được thiết kế để tăng hiệu quả của các phương pháp điều trị tiêu chuẩn, chẳng hạn như xạ trị và hóa trị. Các phương pháp điều trị mới khác được thiết kế để thay đổi các tế bào khối u, nhằm đưa sự phát triển của tế bào khối u vào tầm kiểm soát. Có nhiều cách để tìm kiếm những thử nghiệm thích hợp cho người thân của quý vị. Hãy bắt đầu bằng cách hỏi bác sĩ về những thử nghiệm có sẵn. Nhiều tổ chức khác nhau cũng cung cấp danh sách các thử nghiệm cùng với thông tin về những gì đang được thử nghiệm và nơi diễn ra thử nghiệm. Xem phần Tài Nguyên bên dưới để nắm thông tin liên hệ với các tổ chức này. Hãy đảm bảo kiểm tra với nhà cung cấp bảo hiểm y tế của người thân quý vị để xem liệu chi phí tham gia thử nghiệm lâm sàng có được chi trả hay không.
Điều Gì Sẽ Xảy Ra Sau Khi Điều Trị?
Sau khi điều trị, sức khỏe bệnh nhân được theo dõi sát sao. Việc chụp MRI, CT hoặc chụp hình ảnh khác có thể được thực hiện để xem liệu phương pháp điều trị có hiệu quả hay không. Khám sức khỏe thường xuyên sẽ giúp bác sĩ tìm hiểu xem ung thư đã quay trở lại hay chưa hoặc liệu các tác dụng phụ có phải là vấn đề đáng lo ngại hay không. Đảm bảo báo cáo kịp thời bất kỳ sự tái phát nào của các triệu chứng hoặc những thay đổi về sức khỏe của người thân quý vị cho bác sĩ hoặc y tá.
Vấn Đề Dành Cho Người Chăm Sóc
Hỏi: U não có những ảnh hưởng gì đến tinh thần, cảm xúc, cá tính?
Các khối u não thực sự có thể ảnh hưởng đến tâm trí, cảm xúc và/hoặc cá tính. Có thể xảy ra các vấn đề về trí nhớ, ngôn ngữ và/hoặc sự tập trung. Người thân của quý vị có thể phải đối mặt với những thử thách nghiêm trọng về tinh thần với cảm giác hỗn loạn. Tâm trạng có thể thay đổi, cũng như cách người đó hành động. Người thân của quý vị có thể gặp khó khăn khi làm nhiều việc cùng một lúc. Các phương pháp điều trị khác nhau có thể làm chậm sự tiến triển của các triệu chứng này, vì vậy hãy hỏi ý kiến của bác sĩ về những phương pháp điều trị có thể giúp ích.
Quý vị nên lưu ý rằng bác sĩ tâm lý thần kinh có thể giúp phục hồi chức năng. Để đưa ra một kế hoạch hiệu quả, trước tiên, bác sĩ tâm lý thần kinh sẽ thực hiện một loạt các bài kiểm tra để đánh giá cảm xúc, hành vi và tinh thần của người thân quý vị. Dựa trên kết quả của các kiểm tra đó, một hoặc nhiều điều sau đây có thể được đề nghị:
- Phục hồi nhận thức, nghĩa là điều trị những khó khăn về tinh thần
- Phục hồi chức năng nghề nghiệp, là giáo dục và đào tạo về cách để họ có thể tiếp tục làm việc
- Tư vấn để đối phó với những thay đổi cảm xúc
Hỏi: Làm thế nào để ngôi nhà an toàn hơn cho người thân với u não?
Do có thể bị yếu cơ, thay đổi cân bằng và những vấn đề khác, những điều sau đây có thể giúp ngôi nhà của quý vị an toàn hơn cho người thân của quý vị:
- Đặt tay vịn trong buồng tắm đứng và bồn tắm
- Mua một chiếc ghế tắm
- Nếu nhà quý vị có nhiều tầng, hãy nghĩ đến việc đặt giường của người thân quý vị ở tầng trệt
- Hãy nghĩ đến việc mua một chiếc giường tiêu chuẩn bệnh viện
- Hãy nghĩ đến việc mua ghế vệ sinh di động
Hỏi: Làm thế nào tôi có thể đối phó với cảm xúc?
Là một người chăm sóc, quý vị có thể nhận tư vấn để tìm hiểu cách giúp người thân của quý vị đối phó với những thay đổi về tinh thần mà họ đang gặp phải và quan trọng nhất là cách đối phó với phản ứng của chính quý vị trước những thay đổi của người thân. Đây là giai đoạn khó khăn cho tất cả mọi người có liên quan. Mặc dù bệnh tật có thể mang mọi người đến gần nhau hơn, nhưng nó cũng có thể gây ra xung đột, bất hòa và căng thẳng. Dưới đây là một số gợi ý để quý vị có thể đối phó:
- Tìm những thành viên gia đình và bạn bè, những người sẵn sàng cam kết giúp quý vị chăm sóc người thân của mình.
- Mời những người này tham gia vào một cộng đồng chăm sóc, giúp hỗ trợ cả về thực tế và tinh thần cho quý vị và người thân của quý vị.
- Xác định ưu điểm của quý vị và ưu điểm của những người khác trong cộng đồng chăm sóc.
- Hãy dành thời gian nghỉ ngơi thường xuyên! Tình trạng kiệt sức của người chăm sóc là một vấn đề lớn cần phải quan tâm.
- Hãy tham gia với các nhóm và tổ chức bên ngoài, chuyên cung cấp hỗ trợ và thông tin cho những người mắc bệnh ung thư và những người chăm sóc họ.
Tài Nguyên
Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia Đình (Family Caregiver Alliance)
Trung Tâm Chăm Sóc Quốc Gia (National Center on Caregiving)
(415) 434-3388 | (800) 445-8106
Trang web www.caregiver.org
Tài nguyên: www.caregiver.org/vietnamese
Email: info@caregiver.org
FCA CareJourney: www.caregiver.org/carejourney
Family Care Navigator: www.caregiver.org/family-care-navigator
Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia Đình (Family Caregiver Alliance, FCA) tìm cách cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người chăm sóc thông qua giáo dục, dịch vụ hỗ trợ, nghiên cứu và vận động ủng hộ. Thông qua Trung Tâm Chăm Sóc Quốc Gia, FCA cung cấp thông tin về các vấn đề xã hội, chính sách công và các vấn đề liên quan đến việc chăm sóc, đồng thời cung cấp hỗ trợ trong việc phát triển các chương trình công và tư dành cho người chăm sóc. Đối với cư dân của Khu vực San Francisco Bay, FCA cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho những người chăm sóc bệnh nhân Alzheimer, đột quỵ, chấn thương sọ não, Parkinson và những căn bệnh rối loạn suy nhược khác gây tổn thương cho người trưởng thành.
Tờ Thông Tin và Gợi Ý của FCA
Danh sách tất cả thông tin và lời khuyên có sẵn trực tuyến tại www.caregiver.org/vietnamese.
Taking Care of YOU: Self-Care for Family Caregivers (Chăm sóc QUÝ VỊ: Hướng dẫn tự chăm sóc dành cho những Người chăm sóc gia đình)
Caregiving at Home: A Guide to Community Resources (Chăm sóc tại nhà: Hướng dẫn về Nguồn lực cộng đồng)
Các Tổ Chức và Đường Dẫn Liên Kết Khác
Hiệp Hội U Não Quốc Gia (National Brain Tumor Society)
https://braintumor.org/
Hiệp Hội U Não Hoa Kỳ (The American Brain Tumor Association)
www.abta.org
Quỹ Khoa Học Não Bộ (Brain Science Foundation)
www.brainsciencefoundation.org
Tờ thông tin này được soạn bởi Family Caregiver Alliance và được đánh giá bởi Margaretta S Page, RN, MS và Lisa Guthrie, RN, BSN UCSF Neuro-Oncology Gordon Murray Caregiver Program © 2020 Family Caregiver Alliance. Bảo lưu mọi quyền.